Nan giải chuyện đào tạo trẻ
Năng lực của đội U.22 VN lâu nay được đánh giá dựa trên hai tiêu chí: số lượng cầu thủ có suất đá chính ở các đội V-League, cùng đóng góp của cầu thủ trẻ cho đội tuyển VN.
![Văn Khang (trái) là cầu thủ hiếm hoi giàu kinh nghiệm quốc tế trong hàng ngũ U.22 VN. ẢNH: PHÚC THẮNG u22-viet-nam-dd.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/18a0651672861ca66357657ae76bf436288afa24916d8f641a2e0eb4fd9a9ad52132ed17845a02aa7379a545bfcbeafaab252f9f081e8982950d7af3e32a2771/u22-viet-nam-dd.jpg)
Ở tiêu chí đầu tiên, HLV Kim Sang-sik cùng cộng sự đã có bản danh sách các cầu thủ U.22 VN tiềm năng để đánh giá, theo dõi. Tuy nhiên trong số này, có lẽ chỉ phân nửa cái tên đang chơi tại V-League. Trong đó nổi trội có Thái Sơn (CLB Thanh Hóa), Vĩ Hào (CLB Bình Dương), Văn Trường (CLB Hà Nội), Văn Khang, Mạnh Hưng, Hồng Phúc (CLB Thể Công Viettel), Đình Bắc (CLB Công an Hà Nội), Trung Kiên, Lý Đức (HAGL), Văn Cường, Xuân Tiến, Nguyên Hoàng (SLNA)... Tuy nhiên, trong số này chỉ có Thái Sơn, Vĩ Hào, Văn Khang, Trung Kiên và Lý Đức đảm bảo được việc đá chính thường xuyên (tối thiểu 10 trận) ở giai đoạn lượt đi. Phần còn lại ngồi dự bị ở V-League, hoặc đá tại hạng nhất.
Nói về khía cạnh đóng góp, dấu ấn dàn sao ở lứa tuổi U.22 để lại chưa nhiều (bởi số phút thi đấu ít ỏi, trình độ và kinh nghiệm đều mỏng). Điều đó ảnh hưởng tiêu chí thứ hai, khi đã có những gương mặt trẻ được triệu tập lên đội tuyển VN, nhưng đóng góp rất mờ nhạt. Thời HLV Philippe Troussier còn nắm quyền, nhiều sao trẻ như Tuấn Tài, Thái Sơn, Văn Khang, Minh Trọng, Đình Bắc, Thanh Nhàn… đã chạm đến ngưỡng cửa đội tuyển quốc gia dù có những người mới đá V-League chưa quá 2 năm. Hậu quả là đội tuyển VN thất bại, còn cầu thủ trẻ cũng chưa thể bứt lên. Đấy là bài học của sự "chín ép", khi các tài năng trẻ chưa đủ hành trang, bao gồm nền tảng tâm lý, trình độ và tư duy chơi bóng.
Dù tài năng như Quang Hải, Văn Hậu trước đây, để thành công cũng cần qua từng bước phát triển tuần tự: thể hiện tiềm năng khi còn trẻ, chiếm suất tại CLB rồi mới leo lên từng nấc thang đội tuyển. Để ngọc thô được mài giũa thành ngọc quý, trước hết nó phải là ngọc đã. Cầu thủ phải thực sự giỏi, HLV Kim Sang-sik mới có thể trui rèn, nhưng đáng tiếc là số lượng cái tên để ông Kim ưng ý chưa nhiều.
Chờ đột phá ở CLB
Số lượng tài năng trẻ ít ỏi đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề cốt lõi là bóng đá VN có rất ít đội sở hữu cơ ngơi đào tạo trẻ. Lâu nay, các đội Hà Nội, HAGL, Thể Công Viettel, SLNA và PVF-CAND là những nơi hiếm hoi trồng người, mài giũa và tìm kiếm những gương mặt mới. Ở chiều ngược lại, nhiều CLB mạnh trong đó có những đội dù vô địch V-League, nhưng đi bằng con đường mua sắm ngôi sao để phục vụ mục tiêu ngắn hạn, thay vì đào tạo trẻ tử tế và nghiêm túc. Mỗi CLB có tiêu chí riêng, nhưng nếu nhiều đội không mặn mà chuyện đào tạo trẻ, bóng đá trẻ VN khó vươn lên. Với rất ít nguồn cung, tìm được cầu thủ giỏi khó như chuyện trúng số.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương, Trưởng ban Bóng đá học đường Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, đánh giá: "Các CLB, các địa phương gần đây cũng quan tâm đến bóng đá trẻ nhưng mỗi nơi làm một phách, không có sợi dây xuyên suốt. Vì thế, bóng đá VN cũng chưa thể có được tính ổn định và bền vững. Chúng ta cần học tập các nền bóng đá lớn trên thế giới là phải có được quy trình đào tạo trẻ thống nhất. Các địa phương vướng mắc chỗ nào, VFF vướng mắc chỗ nào, các bên phải bàn kỹ để cùng nhau tháo gỡ. Và việc đầu tư các đội trẻ cần theo chu kỳ nhất định, chứ không phải đầu tư theo giải. Hết giải là đội cũng giải tán luôn, thật lãng phí".
Do đó, HLV Kim Sang-sik chỉ có thể trông đợi ở thay đổi chiến lược từ cấp CLB. Mới đây, HAGL đã đôn 4 cầu thủ U.20 lên đội một. Với hơn nửa đội hình là cầu thủ trẻ, đội bóng phố núi đang là cái nôi trồng người đáng xem, bên cạnh những đội có truyền thống dùng cầu thủ trẻ như SLNA hay Thể Công Viettel. Cũng đã có những HLV mạnh dạn đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ, như trường hợp của HLV Velizar Popov với chân sút trẻ Nguyễn Ngọc Mỹ. Dù mới 21 tuổi và lần thứ hai đá V-League, nhưng Ngọc Mỹ đã ghi 2 bàn trong 4 trận. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những nét chấm phá nhỏ bé trong bức tranh tổng thể, rằng V-League nói riêng và bóng đá VN nói chung có quá ít đất diễn để mài ngọc.
Câu chuyện cầu thủ trẻ ở hạng nhất dễ thở hơn, khi hàng loạt tài năng U.22 của PVF-CAND, Bình Phước, Ninh Bình hay Huế được ra sân hằng tuần. Đơn cử, PVF-CAND đang có 13 cầu thủ đủ điều kiện đá SEA Games, như Xuân Bắc, Văn Chưởng, Hiểu Minh, Văn Phú, Bá Đạt, Thanh Nhàn… Song môi trường hạng nhất kém cạnh tranh là trở ngại khiến những cầu thủ ở đây chưa thể vụt sáng.
Theo Hồng Nam (TNO)