Tường vi trước ngõ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày hè, trên dải đất miền Trung nắng như thiêu đốt, cây cối cỗi cằn. Nhìn lá cây héo úa, nhăn nheo đủ biết sự khắc nghiệt của nắng nóng nơi đây. Ấy vậy mà cây tường vi trước ngõ, dường như thích thú reo vui. Bất chợt sáng nay, tường vi bung nở những chùm hoa đầu mùa xinh xắn, khiến lòng tôi lâng lâng niềm vui với cây lá quanh nhà.

Trước sân nhà có khoảnh đất nhỏ, tôi cố gắng trồng nhiều cây xanh để quanh năm có hoa và bóng mát. Nhớ mới hôm nào, tôi nâng niu đặt xuống đất một nhánh nhỏ tường vi, ngay lối ngõ ra vào, rồi tưới tắm xới vun. Ngày qua ngày, cây bén rễ lên xanh, tốt tươi phát triển. Đến nay cây cao quá đầu người, tạo thành bụi rậm mướt xanh.
 

Hoa tường vi
Hoa tường vi


Cây tường vi thân nhỏ nhưng rất nhiều cành và mềm dẻo, nhánh lớn bằng ngón tay cái, nhánh nhỏ thì như chiếc đũa, có nhánh chỉ hơn cây tăm thôi. Suốt cả mùa mưa bão, tường vi đứng nơi đầu ngõ chống chọi với gió mưa. Có lần, cây chẳng còn một chiếc lá, xác xơ sau trận bão. Nhưng cành nhánh vẫn dẻo dai, quằn rạp xuống, rồi lại vươn lên ngạo nghễ, đón nhận những tia nắng an bình sau dông gió. Mùa xuân, cây trong vườn nhà đua nhau khoe sắc, riêng tường vi vẫn lặng lẽ khiêm nhường, nép mình sát bờ rào chẳng so bì hơn thiệt.

Thế rồi, tiếng ve râm ran gọi hè, gió nam cồ thổi mạnh, nắng nóng gay gắt hơn như thúc giục các cô cậu học trò lo hoàn thành việc học hành, thi cử. Lúc này, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy từng chùm hoa tường vi lúp búp, tròn tròn, đơm đầy trên cành nhánh. Nụ hoa li ti bé nhỏ, những cánh hoa màu hồng, mong manh, tập trung phía đầu cành nên khi nở rộ là quằn xuống, chùm chùm đung đưa dưới trời xanh mây trắng.

Mùa hè có nhiều sắc hoa đặc trưng, rực rỡ. Dù đã quen với màu đỏ tươi của phượng vĩ, sắc tím của bằng lăng nơi sân trường hoặc trên đường phố, nhưng nhìn những cánh tường vi phơn phớt hồng trước ngõ, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn giữa những ngày chói chang tháng hạ.

Ngắm tường vi phải là buổi sáng sớm mới thấy hết vẻ đẹp quyến rũ của hoa. Khi mặt trời chưa ló dạng, chân trời còn ửng hồng ở phía xa xa, không khí mát mẻ dễ chịu hơn nếu có ngọn gió nam thổi nhẹ, lúc này từng chùm tường vi khẽ đung đưa trong gió. Hoa màu hồng nhạt, hương thơm nhẹ, tuy cánh hoa hơi nhăn nhưng nở thành chùm, tường vi khéo léo biết tựa vào nhau để cùng tôn lên vẻ đẹp.

Mỗi sớm hè uống trà và cà phê trước sân, lúc không gian còn yên vắng, tôi mê mải ngắm nhìn rồi đến bên cây nâng nhẹ từng chùm hoa lặng lẽ. Cơn gió thổi vô tình cũng khiến vài cánh hoa rơi rơi. Mấy chú chim cũng dậy sớm, nhảy nhót chuyền cành, cất cao tiếng hót, chúng ríu rít bên nhau chắc đang trầm trồ trước sắc hoa tươi màu sáng sớm.

Chiều nào tôi cũng bơm nước, tưới phun lên cả cành cây ngọn lá. Do đó, những chiếc lá tường vi như sạch bong, xanh bóng làm nền để hoa thêm khoe sắc. Nếu có trận mưa rào, hoa rụng nhiều nhưng sẽ tươi tắn hơn. Vậy mà, cả tuần nay mưa chẳng về thăm, còn sương cũng rong chơi nơi khác! Dù đời hoa có sớm nở tối phai nhưng nó vẫn cứ cho đi sắc hồng lộng lẫy, như thể khẳng định rằng trước ngõ vẫn có tường vi hữu ích điểm tô!

Trưa hè, nắng như đổ lửa. Mấy cánh hoa hồng cứ xoăn lại, héo khô không chịu nổi. Ngược lại, tường vi vẫn cứ ung dung, bình thản. Thế mới biết sức chịu đựng lớn lao của loài hoa có vẻ ngoài mong manh, nhỏ bé này. Rộn ràng nhất là những buổi chiều hè, bọn trẻ chạy nhảy nô đùa dưới bóng tường vi. Chúng chơi các trò chơi dân gian như năm mười, buôn bán, nấu ăn... Nhìn những cánh hoa tường vi khẽ rơi rơi trên tóc bọn trẻ, nghe tiếng hò reo cười nói, tôi như gặp lại bóng dáng ấu thơ của mình đã trôi theo ngày tháng.

Tôi tự trách mình nỡ vô tình với tường vi đã bao lâu. Mùa đông, chăm chăm mấy khóm hồng đủ sắc. Mùa xuân, nâng niu những chậu mai rợp vàng. Đến hè, cằn khô cùng bỏng rát, tường vi vẫn thủy chung với mình, nở hồng trước ngõ vào ra. Chỉ có con người là toan tính thiệt hơn chứ cỏ cây thiên nhiên vẫn một lòng son sắt. Đời cây cứ lặng lẽ bên người, chở che và nhắc nhớ. Mỗi lần nhìn tường vi trước ngõ, tôi thầm đọc mấy câu thơ của mình: “Lặng lẽ suốt mùa đông/ Can trường cùng dông gió/ Khi mai đào vội nở/ Khiêm nhường chẳng hơn thua/ Rồi bất chợt ban trưa/ Tiếng ve da diết lạ/ Từng chùm hoa vội vã/ Nở bừng tường vi ơi/ Em tô điểm cho đời/ Bằng sắc hồng nhung nhớ/ Thứ cho ta lầm lỡ/ Bấy lâu nay vô tình!”.

Mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng nhưng tôi yêu tường vi bởi sự dịu dàng, đằm thắm, mong manh mà rất kiên cường của nó!

Theo PHAN HUY THÙY (QNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.