Tuổi trẻ tiếp nối hành trình di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc cho thời tiết nắng mưa bất chợt, trong ngày 24 và 25-7, các trại sinh của trại hè “Tìm về di sản” năm 2023 vẫn hăng say tham gia hành trình đầy ắp niềm vui và tinh thần tập thể với mục đích tìm hiểu vốn quý di sản ông cha.

Sân chơi do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức thu hút gần 200 thanh thiếu nhi, học sinh đến từ 22 xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku, chia thành 7 tiểu trại mang tên những anh hùng dân tộc. Trại sinh trong trang phục áo đỏ có hình ngôi sao vàng trước ngực, thể hiện niềm tự hào về tinh thần, chí khí Việt Nam. Trong đêm khai mạc, không gian tràn ngập niềm hứng khởi khi ngọn đuốc được thắp sáng, tất cả hòa trong nhịp chiêng rộn rã.

Vừa chơi vừa học

Thông qua 5 phần thi khác nhau, các trại sinh có dịp thể hiện những kỹ năng, kiến thức đã được trang bị. Bên cạnh những phần thi nhằm tạo sự sôi nổi, gắn kết như kỹ năng trại (dựng trại, văn nghệ, dân vũ, hóa trang), trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt…) và chế biến, thuyết trình ẩm thực vùng miền, các em tiến sâu hơn vào sân chơi kiến thức thông qua phần thi trò chơi lớn, rung chuông vàng. Tất cả đều xoay quanh chủ đề di sản địa phương và dân tộc.

Thí sinh hào hứng tham gia phần thi “Rung chuông vàng”. Ảnh: P.D

Thí sinh hào hứng tham gia phần thi “Rung chuông vàng”. Ảnh: P.D

Trò chơi lớn là nội dung không thể vắng mặt tại các hội trại bởi sự hấp dẫn của hành trình giải mã để tìm kiếm “kho báu”. Tại trại hè “Tìm về di sản”, trại sinh sử dụng sự am hiểu các loại mật thư để giải mật mã tại các trạm mang chủ đề quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Ở chặng cuối, các em về khu trung tâm để chọn thuyết trình 1 di sản của Gia Lai, sau đó vẽ lại hành trình tìm “kho báu” và trang trí hành trình.

Em Nguyễn Trần Thảo Duyên (xã Trà Đa, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) phấn chấn cho hay: “Từ trước đến nay, em đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng đây là lần đầu tiên đến một trại hè. Ở phần thi trò chơi lớn, em ấn tượng nhất là trạm cuối, khi phải vượt qua thử thách cuối cùng để về đích với nhiều kịch tính. Thời gian các trại viên trong tiểu trại làm quen với nhau rất ngắn nhưng tất cả đều đoàn kết. Em rất thích chương trình vì qua đây em được hiểu rõ thêm về các di sản của Gia Lai”.

Sân chơi kiến thức “Rung chuông vàng” cập nhật cho thanh thiếu nhi, học sinh nhiều kiến thức bổ ích thông qua hệ thống câu hỏi được chuẩn bị kỹ lưỡng. Những câu hỏi như: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm nào?”; “Đến nay, Gia Lai có bao nhiêu di tích quốc gia đặc biệt?” đã loại không ít thí sinh, song từ đó cũng khắc sâu vào tâm trí các em nhiều thông tin hay về di sản địa phương.

Anh Lê Tấn Linh-Bí thư Đoàn phường Hội Phú, Trưởng đoàn của tiểu trại Trần Quốc Toản-nhận định: “Rung chuông vàng là phần thi hấp dẫn, lôi cuốn nhất của trại hè lần này với tính chất vừa chơi vừa học. Do sự phát triển của công nghệ nên các em bị cuốn vào điện thoại, mạng xã hội dẫn đến sự thiếu kết nối với xung quanh. Việc tham gia trại hè giúp các em thiết lập lại sự kết nối ấy”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh, thành viên Ban tổ chức-cho hay: “Nhiều em biết rõ về Phong Nha-Kẻ Bàng hay cố đô Huế nhưng kiến thức về các di sản của Gia Lai thì lại mờ nhạt. Vì vậy, đây là dịp bổ sung kiến thức cho các em và cũng là cách quảng bá di sản một cách hiệu quả”.

Sân chơi ý nghĩa

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, trại hè đã bế mạc vào chiều 25-7. Kết quả, Ban tổ chức đã trao tổng cộng 13 giải thưởng qua 5 phần thi. Trong đó, tiểu trại Nguyễn Bá Ngọc được trao giải nhất trò chơi dân gian; tiểu trại Vừ A Dính giải nhất phần thi ẩm thực; tiểu trại Trần Quốc Toản giải nhất rung chuông vàng. Riêng tiểu trại Lý Tự Trọng dẫn đầu cả 2 phần thi trò chơi lớn và kỹ năng trại. Trên cơ sở tổng hợp điểm từ các nội dung, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho tiểu trại Nguyễn Bá Ngọc; giải nhì và ba lần lượt thuộc về tiểu trại Lý Tự Trọng và Kim Đồng. Các tiểu trại còn lại được trao giải khuyến khích.

Đại diện các tiểu trại nhận giải toàn đoàn. Ảnh: Phương Duyên

Đại diện các tiểu trại nhận giải toàn đoàn. Ảnh: Phương Duyên

Em Đỗ Trần Lan Hương (tiểu trại Nguyễn Bá Ngọc) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một trại hè như thế này. Đôi lúc các trại viên tranh luận có phần căng thẳng để tìm phương án chung nhưng chúng em vẫn hòa đồng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Điều em nhớ nhất không phải là giải thưởng mà là những buổi cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau ca hát. Với em, đây là những ngày đầy kỷ niệm, giúp em trưởng thành hơn”.

Trò chuyện cùng P.V, ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh-chia sẻ: Thông qua hoạt động lần này, các em có thêm kiến thức về di sản văn hóa của địa phương và dân tộc, khơi dậy niềm tự hào cùng ý thức bảo tồn. Bảo tàng là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy các sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử-văn hóa-khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, gọi chung là di sản văn hóa.

“Chúng tôi mong muốn kết nối các hoạt động của Bảo tàng với các thế hệ thanh thiếu nhi, học sinh tại TP. Pleiku nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Bảo tàng luôn rộng cửa để là điểm đến trong hành trình tìm hiểu, học tập lịch sử, địa lý địa phương của các em học sinh, là lựa chọn trong hành trình “tìm về di sản”-ông Tuấn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn ra mắt tủ sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phường Tây Sơn ra mắt tủ sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(GLO)- Sáng 1-11, Trung tâm học tập cộng đồng phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) ra mắt tủ sách trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Gần 8.000 học sinh huyện Chư Păh được xem phim với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”

Gần 8.000 học sinh huyện Chư Păh được xem phim với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”

(GLO)- Từ ngày 14 đến 18-10, Hãng phim trẻ TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội đồng Đội huyện Chư Păh tổ chức chiếu phim lưu động với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ” phục vụ gần 8.000 học sinh tại 14 trường Tiểu học ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai).