Tựa lưng vào phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi nhớ phố núi Pleiku, nơi có nhiều người bạn thời đại học. Tôi vẫn chọn thành phố này là chốn đi về của kỷ niệm. Sau những lo toan, buồn vui của cuộc sống hình như sự đón tiếp niềm nở, cái bắt tay thật chặt và nụ cười thân thiện của bạn bè nơi đây đã làm tan biến nhiều mối lo toan, muộn phiền trong tôi.
Tôi chợt thèm ly cà phê phố núi Pleiku trong một sáng đầy nắng vàng nghiêng rơi. Yêu lắm cái đặc trưng của thành phố này. Những ánh đèn đường nối nhau chạy dài, sự ồn ào, nhộn nhịp vừa đủ, những con dốc quanh co, trập trùng dẫn bước chân người tìm về chốn yêu thương. Có những đêm, bá vai bạn đi dạo phố, cảm nhận sự lặng lẽ u buồn, người thưa thớt, chỉ nghe tiếng lá trượt dài trước làn gió khuya, hướng ra ngoại ô lắng tai có thể nghe được tiếng thông reo, tiếng thác chảy.
Pleiku trong tôi như một cá thể độc lập, sự dịu dàng vốn có được tiềm ẩn, chưa dám phô hết ra ngoài. Chỉ có ai thân thiết, gắn bó lâu năm với thành phố mới khám phá được hết phần bản chất của nó, vừa trầm buồn có chút hoang dã của mảnh đất cao nguyên, vừa hiện đại, kiêu hãnh của thành phố đang từng ngày phồn thịnh. Ấy là nét riêng dễ khắc khảm, đọng lưu trong tâm hồn du khách khiến họ muốn quay trở lại nhiều lần.
Nhớ về Pleiku với những chiều hướng xe ra Biển Hồ lộng gió, đứng dưới tán thông reo ngắm từng con sóng lao xao, ngước nhìn mây trời trong xanh đang lững thững trôi về xa tắp.
 Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Pleiku trong tôi là khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết được mệnh danh là trái tim, là linh hồn của thành phố. Đây là nơi tọa lạc của Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tượng đài Anh hùng Núp, đặc biệt nhất là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí trung tâm, khối đá ba tầng hình trụ tượng trưng cho 54 dân tộc anh em...
Phố núi Pleiku có thể là nơi tôi đã để lại một góc tâm hồn, những luyến lưu, rung động trước ân tình bình dị trao nhau trong mấy lần chia tay bạn bè để xuôi về xứ biển. Cái ôm vai vội vàng, cái nhìn trìu mến đầy hứa hẹn. Trân quý và giữ gìn, lòng tôi luôn nhắc nhở, đến khi đã yên vị trên xe, chợt cứ rưng rưng.
Tin nhắn của bạn lại đến, khiến lòng tôi xôn xao. Chợt nhớ, cũng lâu rồi, do dịch bệnh mà cứ nấn ná hoài, để chưa được tựa lưng vào phố, chưa được ngắm lá rơi trên các tuyến đường rợp bóng cây xanh, chưa được hòa mình vào hương đất, khí trời của một ngày đầy sương chớm đông se lạnh.
Không biết bạn có giống tôi không, mỗi khi nghĩ về TP. Pleiku, riêng tôi mỗi lần nhắc đến bỗng thấy lòng còn phảng phất vị cà phê ngọt đắng nơi đầu lưỡi, cái tinh túy được chắt lọc qua những rây sàng của thời gian và tình người ấm nóng.
SƠN TRẦN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.