Trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có từ môi trường truyền thông số, chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã trở thành “bệ đỡ” quan trọng để tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là công cụ then chốt để đội ngũ nhà sáng tạo các tác phẩm có chiều sâu, kịp thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc trên không gian mạng.
Đó là nhận định của ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí diễn ra ngày 21/4 tại Hà Nội.
Tác động tích cực đến đời sống báo chí
Theo ông Phan Toàn Thắng, Chương trình hỗ trợ hơn 5.500 lượt hội viên nhà báo, nhận được 5.529 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí để giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm...

Chương trình cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo. Thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ được tổ chức bằng kinh phí hỗ trợ, hàng nghìn hội viên Hội Nhà báo đã được trang bị nhãn quan chính trị sắc bén, kỹ năng tác nghiệp hiện đại, nâng cao khả năng thích ứng với chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các vùng miền.
Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, phóng viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện đi thực tế dài ngày, phản ánh trung thực "hơi thở cuộc sống," tạo sự cân bằng trong dòng chảy thông tin toàn quốc và tạo bước đột phá về chất lượng tác phẩm. Những tác phẩm được đầu tư từ nguồn hỗ trợ đã trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng; là diễn đàn phản biện xã hội lành mạnh và là vũ khí đấu tranh phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa.”
Mặc dù có tác động thiết thực đến đời sống báo chí nhưng việc triển khai Chương trình vẫn còn những tồn tại. Cụ thể, cấp thẩm quyền một số địa phương không phân bổ kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ. Một số Hội Nhà báo được phân bổ kinh phí nhưng không giải ngân hết.
Về những khó khăn trong việc triển khai Chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho hay mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm còn rất thấp. Việc hỗ trợ có tính dàn trải, mới tập trung vào những nguồn sáng tạo hiện có mà chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ, là gạch nối, là sự chuyển tiếp của thế hệ đi trước.
Kiến nghị tăng gấp đôi hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa phát triển như vũ bão, các phương tiện truyền thông và mô hình truyền thông trước kia đã không còn thích hợp. Công nghệ và phương tiện làm báo ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và đào tạo nhân lực.
Trong bối cảnh ấy, kinh tế báo chí ngày càng khó khăn khi chi phí cho công nghệ làm báo hiện đại và đầu tư nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng.

Ông Lợi nêu dẫn chứng: Cả ba nguồn thu chính của báo chí đều giảm mạnh: Chi ngân sách cho báo chí còn thấp (chi thường xuyên dưới 0,5%, chi đầu tư dưới 0,3%). Nguồn thu từ quảng cáo báo chí sụt giảm, đặc biệt là báo in. Nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến của các cơ quan báo chí chỉ còn lại khoảng 30%; 70% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube, TikTok.
“Trong bối cảnh tình hình chính trị-kinh tế thế giới ngày càng biến động phức tạp, nhiệm vụ đối với báo chí càng ngày càng nặng nề, khó khăn với nhiều đặc thù mới, các cấp Hội Nhà báo và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và có điều kiện dấn thân tác nghiệp trong bối cảnh thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh,” ông Nguyễn Đức Lợi nói.
Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% để đáp ứng yêu cầu mới; bổ sung cơ chế đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho nhà báo tác nghiệp tại vùng thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chiến lược về an ninh-quốc phòng và cho phép thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tập trung đào tạo thế hệ nhà báo kế cận.
Đóng góp giải pháp để có tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhà báo Phạm Đoàn Anh Kiệt, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nhà báo Phú Yên cho rằng người làm báo cần có một quá trình đầu tư bài bản từ tư duy sáng tạo, kỹ năng tác nghiệp, cách tiếp cận vấn đề đến hình thức thể hiện.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Hội Nhà báo Phú Yên trong việc hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tổ chức đi thực tế sáng tác… tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà báo trong quá trình sáng tạo tác phẩm.
Hội Nhà báo Phú Yên luôn khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các phóng viên khám phá những đề tài độc đáo, tiếp cận thông tin đa chiều, phản ánh chân thực và sắc bén những vấn đề “nóng” tại địa phương.
“Một nền báo chí phát triển mạnh mẽ khi không ngừng đổi mới, khi người làm báo luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, tìm kiếm những góc nhìn khác biệt và thổi vào mỗi tác phẩm tinh thần sáng tạo, bản lĩnh nghề nghiệp cùng trách nhiệm xã hội sâu sắc,” ông Kiệt nói.
Từ nguồn kinh phí cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao, Hội Nhà báo Phú Yên đã chủ động phân bổ, đặt hàng tác phẩm báo chí, tạo điều kiện để các tác phẩm tiềm năng được hoàn thiện và nâng tầm, đủ sức cạnh tranh tại các giải thưởng báo chí. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo cũng chú trọng công tác vinh danh và khen thưởng các tác phẩm xuất sắc để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo và cống hiến của đội ngũ những người làm báo.
“Khi các giải thưởng được lan tỏa mạnh mẽ, đó cũng là lúc tinh thần nghề nghiệp được đánh thức, thôi thúc phóng viên, nhà báo dấn thân nhiều hơn, đào sâu hơn vào những đề tài của đời sống, phản ánh chân thực thực tiễn và chuyển tải những thông điệp tích cực đến cộng đồng,” ông Kiệt nói.
Theo Minh Thu (Vietnam+)