Theo đó những câu chuyện dân gian, điệu múa cổ truyền, chất liệu văn hóa dân tộc... được tái sinh đầy sống động qua những show diễn ấn tượng như: Anh trai vượt ngàn chông gai, Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An… hay qua các MV âm nhạc kết hợp dân gian và điện tử như Bắc Bling…
Những sản phẩm này chứng minh một điều: bản sắc dân tộc chính là "mỏ vàng" nếu biết khai thác đúng cách. VN không thiếu chất liệu để sáng tạo, từ kho tàng nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, kiến trúc đến phong tục…; song, thứ chúng ta thiếu là cách tiếp cận hiện đại để biến di sản thành tài sản.
Và công nghệ số chính là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa đó. Thực tế cho thấy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), công nghệ trình chiếu 3D… đã và đang mở rộng biên độ sáng tạo cho nghệ sĩ, đồng thời mang lại trải nghiệm mới lạ cho khán giả. AI không chỉ giúp cá nhân hóa nội dung, tối ưu quá trình biên tập, hậu kỳ, mà còn có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo. Trong khi đó, VR đưa khán giả bước vào không gian văn hóa, biến việc thưởng thức nghệ thuật thành hành trình tương tác sống động. Đây không chỉ là xu hướng, mà là cuộc cách mạng về cách tạo ra và tiếp nhận sản phẩm văn hóa.
Theo số liệu tham khảo, trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng giá trị sản xuất của công nghiệp văn hóa VN đạt hơn 44 tỉ USD; tốc độ tăng trưởng lao động đạt hơn 7% mỗi năm, với khoảng hơn 70.000 cơ sở đang hoạt động trong ngành. Những con số này không chỉ minh chứng cho sức hấp dẫn của ngành văn hóa, mà còn đòi hỏi những giải pháp hướng tới phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Một nền công nghiệp văn hóa bền vững không thể chỉ dừng lại ở sáng tạo đơn lẻ hay hiệu ứng nhất thời, mà phải là một hệ sinh thái được xây dựng trên nền tảng công nghệ, chính sách hỗ trợ cụ thể, cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và đặc biệt cần có chiến lược quốc gia về xuất khẩu văn hóa. Hàn Quốc đã làm được, Nhật Bản đã thành công. Và VN hoàn toàn có thể, nếu biết tận dụng thế mạnh nội sinh và sẵn sàng đổi mới trong thời đại công nghệ số.
Theo Thu Thủy (TNO)

Gia Lai tham gia triển lãm di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống
