Giới kinh doanh dịch vụ vận tải ôtô dưới 9 chỗ ngồi đang "nóng rần rần" về những quy định trong Quyết định 146/QĐ-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành.
Theo đó, từ ngày 1-4 năm nay, sẽ phải dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, để thực hiện theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP được Chính phủ ký, ban hành hôm 17-1-2020.
Việc thí điểm ứng dụng gọi xe được các doanh nghiệp triển khai từ năm 2016 theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, ban hành ngày 7-1-2016, thời gian thí điểm chỉ trong 2 năm, từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018, tại TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thí điểm đã kéo dài đến nay và trong thời gian đó, chính sách quản lý không theo kịp sự phát triển của các loại hình kinh doanh dịch vụ chở khách. Bằng chứng là sự bùng nổ số lượng xe chở khách theo dạng hợp đồng điện tử không thể kiểm soát; mâu thuẫn gay gắt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ mà đỉnh điểm là vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại - theo họ là do Grab gây ra.
Những bất cập đó diễn ra trước mắt, Bộ GTVT hẳn nhiên thấy nhưng để kéo dài quá lâu do lúng túng, thiếu quyết đoán. Ngay cả khi đã ban hành Quyết định 146/QĐ-BGTVT rồi mà vẫn còn "thòng" quy định "thời gian chuyển đổi từ xe hợp đồng điện tử sang các loại hình khác trong vòng hơn 1 năm (từ ngày 1-4-2020 đến trước ngày 1-7-2021". Việc này, theo các chuyên gia GTVT, chỉ cần tối đa 3 tháng là xong. Nếu kéo dài như quy định mới thì trong thời gian từ nay đến tháng 7-2021, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ biết hoạt động theo dạng nào, trong khi các doanh nghiệp thuộc diện phải thay đổi sẽ có cớ "câu giờ" đến sát ngày mới điều chỉnh, làm khó cho công tác quy hoạch, quản lý, giám sát, chế tài, lành mạnh hóa thị trường.
Một câu chuyện khác, cũng bị thít chặt bởi dây trói chính sách, là trường hợp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Tại buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ hôm 20-2, đại diện lãnh đạo VNR cho biết trước ngày 31-12-2019, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, bảo đảm hoạt động đường sắt; sau đó VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty trực thuộc (tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng), bảo đảm tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Thế nhưng, đến ngày 20-2-2020, VNR vẫn chưa nhận được dự toán, khiến 11.315 người lao động chưa có tiền lương, dẫn tới nguy cơ phải dừng chạy tàu vào tháng 3 tới.
Nguyên nhân là do theo quy định, khi cơ quan chủ quản nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, trong khi đó VNR không còn trực thuộc Bộ GTVT mà đại diện quản lý vốn của tổng công ty này là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Không riêng VNR, một số tổng công ty nhà nước cũng gặp vướng mắc tương tự. Cơ chế chính sách là từ con người làm ra, chúng ta bị nó "trói" thì lỗi nằm ở chính chúng ta. Vì thế cần phải điều chỉnh kịp thời. Ví như trường hợp của VNR, đâu thể do cơ chế mà phải ngưng chạy tàu, thả nổi an toàn đường sắt!
Theo A.Q (NLĐO)