Vào những ngày này, với lòng biết ơn sâu sắc, cả nước ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ngành Ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở bang Bangalore trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 11-2-1958. Ảnh: Tư liệu |
Là lãnh tụ thiên tài, là nhà ngoại giao kiệt xuất đã sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Bác đã chỉ đạo công tác ngoại giao nước nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Từ chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa Việt Nam, bằng kho tàng tri thức đồ sộ Đông - Tây, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm vô cùng phong phú qua hàng chục năm bôn ba hoạt động cách mạng, Bác đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một tư tưởng ngoại giao đặc sắc - Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao hàm những nguyên lý, nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao. Người đề cao các quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược. Người nhấn mạnh, ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”; độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, theo đó Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Người hết sức coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới; mở rộng bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới; xử lý tốt quan hệ với các nước lớn để phục vụ lợi ích cách mạng.
Trong phương pháp, Người xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Người luôn đặt Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, coi trọng các trung tâm quyền lực, các trào lưu lớn. Người đặc biệt đề cao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi, giữ vững tính nguyên tắc, kiên định, vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược cách mạng. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh còn thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc ta, nỗ lực giải quyết bất đồng bằng các phương cách hòa bình.
Trên nền tảng văn hóa dân tộc, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thấm đẫm giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây. Về tư duy, Người căn dặn phải có quan điểm toàn diện, “nhìn cho rộng suy cho kỹ” để thấy rõ được xu thế chung và chiều hướng của tiến bộ xã hội. Trong ứng xử, Người kết hợp hài hòa giữa các giá trị dân tộc và quốc tế, làm cho mọi người cảm thấy gần gũi, thân tình. Trong giao tiếp, Người dùng cách thể hiện bình dị để gửi gắm hiệu quả những thông điệp ngoại giao.
Nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là sự vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), là khả năng tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ, là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc ta đã thể hiện rõ nét sự tài tình của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các nghệ thuật ngoại giao để đưa cách mạng đến thành công.
Thực tiễn đã chứng minh, Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá, là nền tảng sức mạnh và là chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng qua các giai đoạn cách mạng. Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao của Người trong tình hình mới, đối ngoại Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước. Chúng ta hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới, các đối tác chiến lược, toàn diện; đã đưa quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, từng bước xử lý ổn thỏa các vấn đề phát sinh, tồn tại. Đồng thời, chúng ta đã nỗ lực phát triển quan hệ ngày càng thiết thực với các nước láng giềng khu vực và bạn bè truyền thống.
Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đang phát huy hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như: góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống dịch Covid-19, thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên...
Bên thềm thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện quốc tế, tác động trực tiếp tới môi trường an ninh và phát triển của nước ta. Chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để đặt Việt Nam vào đúng “dòng chảy của thời đại”, tạo sức mạnh to lớn đưa cách mạng Việt Nam tới những thắng lợi mới.
Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết lên những thành công mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.
PHẠM BÌNH MINH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
(Dẫn nguồn SGGPO)