Từ thiện: Của cho không bằng cách cho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi từng đứng xếp hàng xin cơm từ thiện, khoảng 25 năm trước, tại cổng một bệnh viện ở TP HCM.

 

Nhóm lao động và công nhân ở quận 5 và quận 8, TP HCM cùng nấu cơm chia sẻ cho người bệnh và người khó khăn do dịch bệnh
Nhóm lao động và công nhân ở quận 5 và quận 8, TP HCM cùng nấu cơm chia sẻ cho người bệnh và người khó khăn do dịch bệnh



Thời sinh viên thường thiếu ăn, lại có chút "máu" thâm nhập thực tế, tôi đành làm liều cho biết, chứ trong đầu đấu tranh dữ lắm. Càng phân vân hơn khi xếp hàng chờ, thấy quanh mình toàn người nghèo ở quê lên nuôi bệnh, anh xe ôm, chị vé số, cụ ăn xin..., trong bụng "đánh lô-tô" vì lo trông bộ dạng khá thư sinh của tôi, người ta sẽ chửi tôi là đồ lười biếng.

Xe chở cơm tới, mấy anh chị của bếp ăn từ thiện nhảy nhanh xuống, thoăn thoắt chuyền những hộp xốp gồm cơm nóng, thức ăn mặn và rau xào, kèm muỗng và đũa. "Mỗi người một phần nhé bà con" - trưởng nhóm nhắc. Có em gái nhỏ nhận xong một hộp, đứng tần ngần không đi, ngỏ ý xin thêm phần nữa. Trước bao ánh nhìn, trong đó có cả ý nghĩ rằng em tham, cô bé lí nhí giải thích: "Con xin cho bà ngoại, ngoại bị cụt chân, ngồi bên kia đường, không qua đây nhận được". Nghe mà thương quá!

Về sau này, thỉnh thoảng tôi mua gửi tặng bếp ăn từ thiện của bệnh viện vài bao gạo, dăm ký chả. Mấy năm trở lại đây, quán cơm từ thiện được mở nhiều, hoạt động quy củ hơn, khách luôn đông, tôi cũng ghé và đóng góp chút ít. Có chuỗi quán chốt giá 2.000 đồng/bữa, nếu ai rỗng túi thì không trả cũng chẳng sao, đến ăn mấy bữa cũng được. Những người làm việc thiện bằng từ tâm thật sự chẳng bao giờ thắc mắc với người nghèo. Khách càng đông, họ càng... buồn vì hiểu rằng người nghèo khó quanh mình còn nhiều lắm; và chính điều này thôi thúc họ tiếp tục sống san sẻ, yêu thương.

Đó là nét đẹp truyền thống đặc hữu của TP HCM - một thành phố nghĩa tình, bao dung, hồn hậu.

Thật không vui khi mấy ngày qua, lúc thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì có một số người trong lúc phát bữa ăn từ thiện cho người nghèo đã làm hai việc thất nhân tâm: vừa xúc xiểm người yếu thế vừa ghi hình họ phát lên mạng xã hội. Trong clip phát cơm từ thiện của một "hot YouTuber", anh ta xỉa xói một người đàn ông, đại khái: đói sao không về nhà ăn mì, ông ấy bảo ở nhà không có gói mì nào, thì bị anh ta hỏi móc họng nghèo không có mì sao mập vậy? Hay YouTuber này hất hàm hỏi một bà già "sao lấy tới 2 hộp?", bà giải thích "tui không lấy cho tui, tui lấy cho người tàn tật, họ không đi được", liền và bị anh này nhiếc "chẳng có ai tốt vậy đâu". Xem đến đây thì thấy nghẹn ở cổ, tôi chợt nhớ bé gái xin thêm hộp cơm cho bà ngoại từ 25 năm trước...

Chuyện làm từ thiện kiểu ban phát, hạch sách như vậy không hiếm. Trên các diễn đàn mạng có mấy trường hợp làm từ thiện bị tố để "làm màu" hoặc phục vụ mục đích nào đó, chứ không thực bụng vì người nghèo, thậm chí mắng người nghèo chẳng ra gì...

Sài Gòn - TP HCM không có truyền thống xấu đó, không chấp nhận chuyện như thế. Người Việt cũng không như thế. Đó chỉ là nhóm thiểu số, đáng lên án. Đây mới chính là những người nghèo thật: nghèo nhân cách và có thể nghèo túng tới mức phải lợi dụng cảnh khốn khổ của tha nhân để câu view, kiếm tiền. Miếng ăn là miếng tồi tàn, kiếm ăn kiểu này thì tột đỉnh tồi tàn, nhục lắm!

Cả nước đang hướng về TP HCM bằng những món quà nghĩa tình mà nào có ai lên giọng, đòi hỏi gì! Người nghèo gặp cảnh đại dịch kéo dài càng khó khăn gấp bội, bí bách lắm mới nhờ đến bữa cơm từ thiện qua ngày. Đùm bọc, sẻ chia, cưu mang đồng bào lúc này là việc làm phải đạo. Bản chất từ thiện là phải thực tâm và đừng quên nghĩ tới tâm trạng, cảm xúc người nhận, đặc biệt là đừng bao giờ làm tổn thương họ.

Của cho không bằng cách cho, là vậy.

 

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xúc tiến xuất khẩu xanh để phát triển bền vững

Xúc tiến xuất khẩu xanh để phát triển bền vững

(GLO)- Lựa chọn xuất khẩu là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế, Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến chiến lược xuất khẩu xanh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Trong khi cả nước đang tập trung cao độ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy nhà nước, thì nhiều người dùng mạng xã hội vì muốn tăng tương tác, “bắt trend” (xu hướng đang nổi) đã sẵn sàng đăng hoặc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác hoặc thậm chí là tin giả.

Việc gì khó có thanh niên

Việc gì khó có thanh niên

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần IX (nhiệm kỳ 2024 - 2029) diễn ra trong giai đoạn đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, vai trò của thanh niên càng quan trọng khi đây là lực lượng quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.