Từ tâm chấn động đất - Kỳ 2: Những ngôi nhà treo vách núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Đặc sản” của xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) là những ngôi nhà ngói như treo trên vách núi. Người dân nơi đây lo ngại nhất mỗi đợt mưa dầm, nước thấm vào núi, không may gặp động đất cường độ lớn.

Cheo leo, chênh vênh

Từ lời giới thiệu của cán bộ xã Đăk Nên, chúng tôi tới thôn Tu Thôn đậm chất vùng núi. Đường lên thôn vắt ngang một quả núi được người dân làm giống hình vòng cung từ chân tới đỉnh để thuận tiện cho việc đi lại. Để lên tới đỉnh, ông A Khun, trưởng thôn Tu Thôn, dừng lại, để xe máy mới mua “nghỉ ngơi”, đỡ nóng rồi mới đi tiếp. Nhìn con dốc thẳng đứng như nối lên đỉnh trời, xe máy phải luôn để số một và một lực tay ghì đủ chắc nếu không muốn rơi khỏi cung đường. Đoạn đường chỉ nửa cây số nhưng tới nơi, chiếc xe máy bốc khói. Tuy vậy, ý nghĩa cái tên của thôn lại rất êm đềm. Ông A Khun giải thích ngắn gọn, “Tu” nghĩa là làng, “Thôn” nghĩa là thung lũng.

Thủy điện Đăk Đrinh và những ngôi nhà trên vách núi.

Thủy điện Đăk Đrinh và những ngôi nhà trên vách núi.

Lên dốc khó một, xuống dốc khó mười, cảm giác chiếc xe lao băng băng xuống dốc như chơi trò cảm giác mạnh. “Tình trạng người đi đường bất cẩn bị ngã, xe đứt phanh diễn ra thường xuyên. Ngày xưa chưa có đường bê tông, mỗi khi trời mưa, đường lầy thì bà con chỉ có biết dắt xe lên xuống dốc cao,” ông A Khun cho hay.

Theo trưởng thôn A Khun, 58 hộ ở đây đều sống trong nhà sàn, cột trụ thường lấy đá kê, không thể chôn dưới đất vì sợ mối mục. Qua nhiều năm dầm mưa dãi nắng, những căn nhà trở nên yếu ớt trước những trận động đất, sạt lở. Sau trận động đất cường độ mạnh nhất trong lịch sử vừa qua, trưởng thôn A Khun nhắc nhở bà con gia cố, lấy dây giằng vào các cột trụ. Tuy vậy, người dân vùng này còn nhiều khó khăn, hầu hết hộ nghèo nên việc tu sửa, xây lại nhà cửa là vấn đề lớn. “Cái khó bó cái khôn”, người dân vẫn phải sống chung với động đất trong ngôi nhà sàn cũ kỹ.

Cũng vì địa hình như vậy, chỉ cách điểm trường khoảng 7 cây số nhưng phần lớn người dân ở đây đều cho con em ở lại bán trú. “Đường đi quá nguy hiểm, hầu hết đèo núi cheo leo, vực sâu, nhất là vào ban đêm không có đèn đường rất dễ xảy ra tai nạn. Tuy thông thạo địa hình nhưng tôi cũng không dám chạy xe đến trường, phải nhờ chồng đón con”, chị Y Dao (40 tuổi, thôn Tu Thôn) than thở.

Ghi nhận hơn 20 trận động đất trong 3 ngày

Trong 3 ngày từ 20 - 22/8, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ghi nhận liên tiếp 20 trận động đất, trong đó trận động đất lúc 13h30 chiều 22/8 mạnh 4.4 độ, gây rung chấn cho Kon Tum và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Gia Lai. Trận động đất ngày 20/8 có độ lớn 4.2 cũng gây rung chấn cho Kon Plông và các huyện lân cận vùng tâm chấn.

Thời gian qua, động đất có xu hướng gia tăng và hoạt động mạnh ở Kon Plông với nhiều đợt động đất liên tiếp. Từ đầu năm, hơn 200 trận động đất đã được ghi nhận ở khu vực này. Trận động đất trưa 28/7 có độ lớn 5.0, gây rung chấn ở Tây Nguyên và miền Trung.

NGUYỄN HOÀI

Mỏi mắt chờ đền bù

Bà con người dân tộc Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Đăk Nên chủ yếu trồng lúa, mì và cây cau. Gia đình anh A.K (35 tuổi, trú xã Đăk Nên) có khoảng một héc-ta đất rẫy để trồng cây mì và cau, mỗi năm thu về khoảng 20 triệu đồng. Do rẫy nằm trên sườn núi nên việc thu hoạch, vận chuyển đầy gian nan và chi phí cũng tăng cao. Anh A.K than thở, ở đây toàn đồi núi, thung lũng, rất hiếm mảnh đất bằng phẳng. Sợ nhất vẫn là cuối năm, con đường dẫn vào làng bị sạt lở nặng, anh em trong xóm lại chung tay dọn sạch bùn đất. Canh tác, đi lại bất tiện là vậy nhưng vì mưu sinh mà bà con phải chấp nhận.

Nhắc đến việc đền bù của Thủy điện Đăk Đrinh, anh A.K buồn bã: “Người dân ở vùng tái định cư mong chờ thuỷ điện đền bù để trang trải cuộc sống lắm, vùng này khổ mà. Chờ mãi chẳng thấy được người ta hỗ trợ, giờ biết làm sao”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, dự án Thủy điện Đăk Đrinh do Cty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh làm chủ đầu tư, đưa vào vận hành thương mại năm 2014. Nhà máy thủy điện Đăk Đrinh có công suất thiết kế 125MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư 5.921 tỷ đồng. Thủy điện này để lại hệ quả vô cùng lớn cho người dân, trực tiếp là người ở hai xã Đắk Ring và Đăk Nên (đều thuộc huyện Kon Plông) khi công tác đền bù, tái định cư còn nhiều bất cập, khiến người dân bức xúc nhiều năm nay.

Cụ thể, để có đất xây dựng dự án, 192 hộ với gần 859 nhân khẩu phải tái định cư. Các hộ dân tại những khu tái định cư đã nhiều năm chờ tiền đền bù để có nguồn tài chính phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi cảnh đói nghèo sau khi nhường đất cho thủy điện. Mới đây, tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri A Cu (trú thôn tái định cư Xô Luông, xã Đăk Nên) thay mặt các hộ dân thuộc diện tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh đề nghị sớm giải quyết dứt điểm tiền đền bù cho người dân. “Thủy điện đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng đất. Vấn đề này chúng tôi đã ý kiến rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết”, cử tri A Cu bức xúc. Trả lời kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh Kon Tum khẳng định đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm xem xét cho ý kiến về khoản chi phí tăng thêm của dự án để địa phương hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch xã Đăk Nên, cho hay, xã hiện có 608 hộ dân, trong đó 192 hộ nằm trong danh sách được nhận đền bù của Thuỷ điện Đăk Đrinh. Tuy nhiên, số liệu cụ thể rất nhiều, phải rà lại toàn bộ, bởi có hộ chưa được cấp đủ đất, hộ chưa được cấp đủ tiền … Theo ông Nam, do xã có địa hình đồi núi khá dốc, đa phần nhà cửa làm bằng gỗ nên khi xảy ra đợt động đất lớn nhất vừa qua, bà con có phần hoang mang. Trước tình hình này, xã đã tuyên truyền bà con gia cố nhà, đồng thời kiểm tra phần mái ngói.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Kon Plông, cho biết, huyện có hơn 28.000 người và đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của động đất. Theo ông Bình, giải pháp tốt nhất bây giờ vẫn là tập huấn, phát tờ rơi để người dân biết, chủ động phòng tránh thiệt hại khi có động đất xảy ra.

Đầu tháng 8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đến thăm, tặng quà cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi động đất của xã Đắk Ring (huyện Kon Plông). Ông khẳng định, Bộ Chính trị rất quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của Kon Tum, đặc biệt là người dân xã Đắk Ring và huyện Kon Plông khi phải thường xuyên đối mặt động đất; đồng thời, động viên bà con ổn định tâm lý, tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết để ứng phó.

(Còn nữa)

Theo TIỀN LÊ - NGUYÊN LÊ (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.