Tự hào nguồn cội Rồng Tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, số lượng các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) không ngừng gia tăng đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, đồng thời thúc đẩy kết nối, tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.

Thông qua tổ chức hội, đoàn kiều bào ta ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đoàn đại biểu kiều bào Việt Nam tiêu biểu dự lễ dâng hương và dựng cây nêu tại Khu di sản Hoàng Thành-Thăng Long. (Ảnh THANH GIANG)

Đoàn đại biểu kiều bào Việt Nam tiêu biểu dự lễ dâng hương và dựng cây nêu tại Khu di sản Hoàng Thành-Thăng Long. (Ảnh THANH GIANG)

Vai trò của các hội, đoàn NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động nắm bắt và nỗ lực phát huy ngay từ những năm đầu tham gia hoạt động cách mạng. Bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước vào năm 1911, tại những quốc gia mà Người đặt chân đến, Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, thành lập các hội, đoàn người Việt. Như tại Pháp, tháng 6/1919, Người đã cùng với một số thanh niên yêu nước đứng ra thành lập “Nhóm người An Nam yêu nước” (tiền thân của Hội Người Việt Nam tại Pháp hiện nay) nhằm kêu gọi sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 6/1925, Người đứng ra thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động chống lại thực dân Pháp ở Đông Dương và tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) cũng như suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng NVNONN và luôn nhắc nhở, đề cao ý thức: “Nước có nguồn, cây có cội, dù đi xa vạn đỗi, không phai nhòa nguồn cội Rồng Tiên”.

Trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, các hội, đoàn NVNONN luôn đóng góp một vai trò quan trọng. Tiêu biểu như trong cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống sự đô hộ áp bức của thực dân Pháp, kiều bào ta tại Pháp đã tích cực tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau, đồng thời tăng cường vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, các hội, đoàn người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, tích cực vận động nhân dân các nước thuộc địa và các nước tiến bộ yêu chuộng hòa bình, hình thành nên mặt trận nhân dân toàn thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam…

Từ sau năm 1975, các hội, đoàn NVNONN phát huy hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, và cùng với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ “đi trước mở đường, phá thế bao vây, cấm vận”, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh và sự trì trệ về kinh tế-xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, kiều bào ta bằng nhiều cách thức linh hoạt đã tích cực vận động chính phủ nhiều nước gỡ bỏ hàng rào cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đồng thời đóng góp các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Nhiều trí thức kiều bào đã quay trở về, làm việc cho các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong nước. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Ban Bí thư luôn khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta và các nước. Vì vậy, việc phát huy vai trò của các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài càng trở nên quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Khảo sát của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters thực hiện vào tháng 7/2023 cho thấy, 71% số người Việt Nam sống ở nước ngoài đang xem xét khả năng quay trở lại quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới. Các chuyên gia đánh giá đây sẽ là “mỏ vàng” nhân sự chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó kiều bào thế hệ thứ 3-4 đang hội nhập và phát huy rất tốt vai trò của mình tại nước sở tại, và ngày càng nâng cao ý thức gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Sự lớn mạnh của cộng đồng NVNONN cùng với việc đáp ứng được các tiêu chí số lượng, thời gian sinh sống và hòa nhập hoàn toàn vào xã hội sở tại,… nên tại một số quốc gia cộng đồng người Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng hoặc được công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số. Mới đây nhất, tháng 6/2023, Chính phủ Slovakia đã chính thức công nhận cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14 tại nước này.

Không thể không nhắc đến quãng thời gian khi dịch Covid-19 hoành hành, người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới lại một lòng hướng về Tổ quốc, tham gia đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 do Chính phủ phát động, vận động các chính phủ, tổ chức, cá nhân quyên góp gửi nhiều trang thiết bị vật tư y tế hỗ trợ đồng bào trong nước chống dịch. Qua đây phần nào thể hiện sâu sắc tình nghĩa đồng bào sâu nặng của người Việt Nam dù sinh sống và làm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hướng về Tổ quốc.

Hiện có hơn 1.000 hội, đoàn người Việt trên toàn thế giới trong đó hơn 500 hội, đoàn duy trì sự gắn bó mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tích cực trong liên kết NVNONN, làm cầu nối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, thu hút nhiều nguồn lực về xây dựng và phát triển đất nước. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các hội, đoàn từ giai đoạn trước, hầu hết các hội đoàn NVNONN hiện nay đều phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động trong thực tiễn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mong muốn tăng cường sự gắn kết, có những hoạt động thiết thực nhằm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và cùng hướng về đất nước, các năm qua nhiều hội, đoàn NVNONN đã được thành lập. Như trong năm qua, vào tháng 5/2023 tại Australia, Hội Trí thức, chuyên gia Việt Nam-Australia chính thức được thành lập với khoảng 300 thành viên trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ trí thức người Việt tại các tiểu bang. Tại châu Âu, tháng 9/2023, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu tổ chức Đại hội thành lập. Tại Đức, tháng 12/2023, Liên hiệp Hội Người Việt tại Đức đã tổ chức Đại hội thành lập...

Số hội, đoàn của kiều bào không ngừng gia tăng cho thấy ý thức, trách nhiệm cũng như nhu cầu rất lớn của cộng đồng về việc hình thành nên các tổ chức của riêng mình nhằm gia tăng sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và ngôn ngữ Việt cho các thế hệ mai sau trong điều kiện sống xa Tổ quốc. Tuy nhiên hoạt động của một số hội, đoàn của kiều bào ta hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Có lúc, có nơi công tác NVNONN chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các hội, đoàn của kiều bào với cơ quan chức năng trong nước còn hạn chế, từ đây khiến cho nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác người Việt ở nước ngoài chưa phát huy hiệu quả. Không ít hội, đoàn chưa thực hiện việc đăng ký với chính quyền nước sở tại, chưa có sự kết nối chặt chẽ thường xuyên với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động phụ thuộc vào một vài cá nhân, chủ yếu mang tính tự phát, ngẫu hứng nên chưa thật sự hiệu quả. Có hội, đoàn công tác tổ chức chưa được chú trọng, không duy trì hoạt động thường xuyên, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, đơn điệu, sự kết nối giữa các thành viên lỏng lẻo. Sự hoạt động kém hiệu quả của nhiều hội, đoàn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập hợp, phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số cá nhân, nhóm, tổ chức mang danh hội, đoàn của kiều bào ta do thiếu thông tin hoặc tập hợp chủ yếu những cá nhân vẫn còn những thành kiến, mặc cảm thậm chí hận thù đất nước nên tổ chức nhiều hoạt động có tính chất tiêu cực, làm phương hại đến lợi ích của đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam. Đáng lo ngại là đã xuất hiện một số phần tử cực đoan, cơ hội chính trị lợi dụng sự ngây thơ, nhẹ dạ, thiếu thông tin của một bộ phận kiều bào để lôi kéo tham gia vào các hội, nhóm mang danh “chấn hưng đất nước” song thực chất là tạo diễn đàn để chống phá đất nước, lan truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; kêu gọi quyên góp tiền bạc cho các hoạt động chống phá đất nước. Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các hội, nhóm phản động này không ngừng gia tăng sự ảnh hưởng, tìm mọi cách hòng thâm nhập cộng đồng NVNONN để lôi kéo, tập hợp kiều bào tham gia vào các hoạt động mờ ám, thực hiện những mưu đồ đen tối, tiềm ẩn những bất ổn chính trị rất đáng lo ngại.

Thực tiễn này đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác NVNONN, trong đó hoạt động của các hội, nhóm kiều bào đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi cần có sự đa dạng và linh hoạt trong việc triển khai vận động, phát huy nguồn lực của kiều bào, thậm chí cần coi đây là một trong những giải pháp có tính đột phá, trọng tâm. Theo đó cần kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ NVNONN có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt cần dành nhiều sự quan tâm đến thế hệ trẻ đang học tập, làm việc xa quê hương vì đây là nguồn lực tương lai đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Từ niềm tin, nhận thức đúng đắn, khi được tập hợp vào các hội, đoàn có mục tiêu, đường lối hoạt động đúng đắn, vai trò, tiếng nói của kiều bào ta sẽ càng được nhân lên. Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp cho các hội, đoàn NVNONN ngày càng phát triển lớn mạnh, tập hợp được bà con kiều bào để đây thật sự là một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Song song đó cần phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như lực lượng cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại chuyên trách, những người trực tiếp tham gia công tác vận động kiều bào. Chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về công tác đại đoàn kết dân tộc nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng và các hội, đoàn. Khai thác tối đa lợi ích của công nghệ và vai trò của chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trên nền tảng mạng xã hội, thường xuyên cập nhật tình hình trong nước giúp người Việt Nam dù sống, làm việc ở bất cứ đâu cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Nhờ đó kiều bào ta tăng cường sự kết nối, hình thành nên các hội, nhóm hợp tác, hỗ trợ nhau, nâng cao ý thức hướng về cội nguồn, củng cố lòng yêu nước. Làm được điều này các đối tượng chống phá, thù địch sẽ không có có cơ hội tiếp cận, xúi bẩy, lừa bịp bà con ta tham gia các hoạt động đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.