(GLO)- “Chưa khi nào tôi chứng kiến việc doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường trong công tác đào tạo nghề mạnh mẽ như thời điểm này”-Th.S Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Gia Lai chia sẻ.
Liên kết với doanh nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất trong đào tạo là một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong chiến lược phát triển của Trường Cao đẳng nghề Gia Lai. Doanh nghiệp là nơi nhà trường gửi học sinh, sinh viên (HSSV) đến thực hành kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp, tính kỷ cương, kỷ luật trong lao động sản xuất. Thời gian qua, nhà trường đã chú trọng đến công tác tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp để có thể phát huy tối đa hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cho HSSV đang theo học tại trường.
Theo thống kê từ phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp của trường, trong năm 2018, số sinh viên tốt nghiệp được nhà trường kết nối, giới thiệu và có việc làm đạt 77%. Đặc biệt, có những nghề như: xây dựng, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp đạt tỷ lệ trên 85%. Năm 2019, tỷ lệ này tiếp tục được cải thiện nhờ việc mở rộng tiếp xúc với các thị trường việc làm mới. 100% HSSV học các nghề như: công nghệ thông tin, sửa chữa máy tính, kế toán, cắt gọt kim loại, hàn đều có việc làm sau khi ra trường. Riêng 2 nghề mới đưa vào đào tạo là kỹ thuật chế biến món ăn và may thời trang đạt tỷ lệ trên 80%.
Học nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến |
Theo Th.S Điều, doanh nghiệp không chỉ là cơ sở để HSSV đi thực tập kỹ năng nghề nghiệp mà còn là nơi đội ngũ giảng viên của trường có cơ hội tiếp cận với trang-thiết bị, máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, những kỹ sư, thợ lành nghề của doanh nghiệp cũng là người đứng lớp để bổ trợ kiến thức cho HSSV. Nhiều doanh nghiệp còn đồng hành với nhà trường trong các hoạt động xã hội, cấp phát học bổng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập.
Th.s Phạm Anh Tiến-Trưởng phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp-cho biết: “Nhà trường thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt chú trọng đến những địa phương có khu công nghiệp phát triển như: Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… Những HSSV đang theo học tại trường khi tham gia thực tập được doanh nghiệp lo ăn ở, chi trả thêm một phần sinh hoạt phí. Sau khi thực tập, nếu đạt yêu cầu các em sẽ được nhận làm việc tại doanh nghiệp với mức lương dao động từ 9 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng đối với các nghề thuộc nhóm cơ khí như: hàn, cắt gọt kim loại, lắp đặt thiết bị cơ khí, điện công nghiệp… Theo thống kê, tỷ lệ HSSV được nhận vào làm tại doanh nghiệp sau khi thực tập đạt 80-90%; nếu các em thực sự chịu khó, cầu tiến thì mức lương còn cao hơn”.
Năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng nghề Gia Lai đã tuyển được 684 HSSV các hệ trung cấp và cao đẳng, đạt 114% chỉ tiêu kế hoạch. Đây là thành tích đáng tự hào của cán bộ, giảng viên, khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường trong công tác dạy và học. Điều này một lần nữa cho thấy việc đồng hành cùng với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Đặc biệt, năm học này, Công ty TNHH Hwaseung Vina, Công ty cổ phần Lilama18, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Gia Lai, Vinaphone Gia Lai đã trao tặng 65 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho HSSV đang theo học tại trường. Em Nay Kơ-sinh viên khoa Cơ khí động lực-tâm sự: “Nhận được học bổng dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn đợt này, em rất vui. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp khá cao nên em sẽ đưa em trai lên đây học sau khi học xong THPT”.
Chứng kiến hiệu quả từ sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong thời gian qua, Th.S Phạm Văn Điều bộc bạch: “Nhìn từng thế hệ HSSV của nhà trường tốt nghiệp, có việc làm ổn định, bản thân tôi không khỏi vui mừng. Tôi hy vọng nhiều gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ xem việc học nghề là một phương thức hiệu quả để giảm nghèo bền vững”.
TẠ NGỌC ĐIỆP