Dù Trung Quốc đang rất cần thịt heo do vừa trải qua đợt dịch tả heo châu Phi, các chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh có thể sử dụng việc nhập khẩu thịt heo cùng các mặt hàng nông sản khác làm con bài mặc cả với Mỹ.
Thịt heo được bán trong siêu thị Walmart của Mỹ đặt tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
Dường như đang có sự lo lắng ở Mỹ khi cam kết mua 40 hoặc 50 tỉ USD hàng nông sản Mỹ của Trung Quốc vẫn chỉ là lời nói miệng của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và chưa được thể hiện trên giấy trắng mực đen rõ ràng.
Tổng thống Trump đã từng than phiền rằng Trung Quốc không giữ lời hứa mua nông sản Mỹ đúng hẹn sau khi đưa ra cam kết trong các cuộc đàm phán để tránh việc bị tăng thuế quan.
Trong một tuyên bố ngày 16-10, ông Trump khẳng định sẽ không đặt bút ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cho tới khi gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Chile vào tháng sau.
Nói như một nhà bình luận quốc tế, có vẻ như ông Trump đang tìm cách xác nhận lại tính thực hư của các cam kết cấp thấp từ người đứng đầu Trung Quốc.
Thịt heo - con bài mặc cả mới?
Trong bối cảnh áp lực từ tầng lớp nông dân Mỹ - những người bị ảnh hưởng trực tiếp vì cuộc thương chiến do ông Trump khơi mào - ngày càng lớn, các chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh có thể sử dụng việc nhập khẩu thịt heo cùng các mặt hàng nông sản khác làm con bài mặc cả với Washington.
Theo tiết lộ của Hãng thông tấn Bloomberg và báo Wall Street Journal, Bắc Kinh đang muốn chính quyền Trump hoãn lại việc áp thuế quan lên 156 tỉ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc sau ngày 15-12. Đổi lại Trung Quốc sẽ cố gắng hiện thực hóa con số 40 hoặc 50 tỉ USD trong thời gian 2 năm kể từ ngày ký thỏa thuận.
"Các nhà đàm phán Trung Quốc đã liên tục nói rằng họ sẽ chỉ mua nông sản của Mỹ với giá thị trường công bằng và dựa trên nhu cầu thực tế trong nước", nguồn tin của Wall Street Journal tiết lộ.
Nếu chỉ tính chiều xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc, 50 tỉ USD nông sản là con số chưa từng có trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Đỉnh điểm trước đây rơi vào năm 2013 cũng chỉ dừng lại ở con số 29 tỉ USD, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Dữ liệu doanh số xuất khẩu hằng tuần (USDA) của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy nước này chỉ xuất sang Trung Quốc được hơn 295.000 tấn thịt heo trong 8 tháng đầu năm 2019, thấp hơn con số 700.000 tấn do Bắc Kinh cung cấp trong cuộc họp báo ngày 15-10. Xuất khẩu cao lương cũng dừng lại ở con số 628.075 tấn, vẫn thua những gì được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra.
Theo gợi ý của các chuyên gia, Washington cần tỉnh táo trước các cam kết mua nông sản của Bắc Kinh, tốt hơn hết là đưa chúng vào văn bản ký kết chính thức để bảo đảm Trung Quốc sẽ không "lật kèo" trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, trong lúc hoan nghênh kết quả cuộc gặp của ông Lưu Hạc và ông Trump, truyền thông Trung Quốc lại tạo ra sự hoài nghi nhắm vào tổng thống Mỹ.
"Sẽ luôn có khả năng Mỹ hủy thỏa thuận đã nhất trí với Trung Quốc nếu cảm thấy điều đó có lợi cho họ. Mỹ không nên đi lùi như những lần trước nữa, thay vào đó hãy biết trân trọng những gì đã đạt được, vì một quan hệ song phương lành mạnh và ổn định, vì lợi ích của cả hai nước và thế giới", tờ China Daily của chính quyền Bắc Kinh ám chỉ sự khó đoán định của ông Trump.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 12-10 - Ảnh: REUTERS
Nút thắt Gordian
Về lý thuyết, Mỹ có thể hóa giải con bài nông sản của Trung Quốc bằng cách tìm thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc và Mỹ hầu như chưa đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào về các vấn đề cốt lõi đã khơi mào thương chiến. Đó là nạn trộm cắp sở hữu trí tuệ và chấm dứt trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc. Quan trọng hơn hết, hai bên vẫn bất đồng về thiết lập cơ chế giám sát thực thi thỏa thuận.
Nói như tạp chí Foreign Policy, những gì đã đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây thực sự "lặt vặt".
"Trung Quốc vẫn không chấp nhận lập trường của Mỹ rằng trợ cấp trong nước và chính sách công nghiệp là chủ đề có thể thương lượng, trong khi Mỹ cũng phản đối chuyện Trung Quốc muốn xem lệnh cấm Huawei là vấn đề thương mại, không phải vấn đề liên quan bảo vệ sở hữu trí tuệ", tạp chí danh tiếng của Mỹ nhận định.
Cả Washington và Bắc Kinh đều hứa hẹn thỏa thuận tương lai được ký vào tháng 12 sẽ bao gồm nhiều vấn đề hơn ngoài nông sản. Nhưng theo Foreign Policy, có rất ít lý do để lạc quan.
"Việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cũng không có nghĩa lý gì nếu không có các cơ chế thực thi nghiêm túc, một bước đi khó khăn nếu không muốn nói là không thể áp dụng với Trung Quốc, vốn đã kiên quyết chống lại mọi sự giám sát thực thi", tạp chí của Mỹ lập luận.
Bảo Duy (TTO)