Trùng điệp sức mạnh tàu sân bay quanh Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ đầu tư vào tàu sân bay truyền thống, nhiều nước ở khu vực Thái Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển các nhóm tác chiến như tàu sân bay dựa trên tàu đổ bộ “khủng” và đều có kế hoạch hoạt động tại Biển Đông.

 

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng tàu JS Izumo của Nhật trong một cuộc tập trận gần đây - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng tàu JS Izumo của Nhật trong một cuộc tập trận gần đây - Ảnh: Hải quân Mỹ



Đầu tháng 3, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này sắp hoàn thiện chiếc thứ 2 thuộc lớp tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075. Qua đó, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn các nhận định cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm triển khai tiêm kích cho tàu Type-075 để phát triển thành tàu sân bay nhằm chiếm ưu thế trong các cuộc đụng độ, hay kế hoạch tác chiến ở các vùng biển lân cận.

Tuy nhiên, thực tế chẳng phải chỉ mỗi Trung Quốc sở hữu sức mạnh như vậy. Những năm gần đây, giữa bối cảnh khu vực có nhiều biến động đáng lo ngại từ các hành vi của Trung Quốc, nhiều nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng đã theo đuổi các chương trình biến tàu đổ bộ mang trực thăng thành tàu sân bay thứ thiệt.

Sự trở lại của người Nhật

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản hồi giữa năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu trên chiến hạm JS Kaga của nước chủ nhà. Sự kiện này gây chú ý lớn của giới chuyên gia nghiên cứu chính trị, quân sự quốc tế cũng như chính phủ nhiều nước. Bởi đây là động thái cho thấy Mỹ chính thức công nhận Nhật Bản sở hữu tàu sân bay.

JS Kaga và JS Izumo là hai chiến hạm thuộc lớp Izumo - loại chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2. Ban đầu, tàu lớp Izumo vốn là tàu khu trục mang theo máy bay trực thăng. Tuy nhiên, từ năm 2018, Tokyo đã xúc tiến kế hoạch nâng cấp chiến hạm lớp Izumo trở thành hàng không mẫu hạm đích thực hoạt động cùng với chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35.

Cụ thể hơn, với độ choán nước toàn tải khoảng 27.000 tấn cùng chiều dài 248 m, tàu chiến lớp Izumo sau khi nâng cấp để bổ sung một số yếu tố cần thiết thì hoàn toàn có thể mang theo chiến đấu cơ F-35B để triển khai tác chiến.

Thuộc dòng F-35, phiên bản F-35B thuộc loại cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), vốn được phát triển để dễ dàng triển khai nhằm tương thích với các tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng thuộc lớp America và Wasp của Mỹ.

Hơn thế nữa, trong lịch sử Nhật Bản là quốc gia đầu tiên triển khai tàu sân bay tác chiến, từ hơn 100 năm trước. Do đó, Tokyo đã có kinh nghiệm lớn trong việc vận hành hàng không mẫu hạm. Chính vì vậy, khi được trang bị F-35B thì tàu Izumo hoàn toàn có khả năng như một tàu sân bay thứ thiệt.

Trong khi đó, Tokyo lại là một đối tác của Washington trong chương trình phát triển F-35. Nhật cũng đã được chuyển giao loại chiến đấu cơ tối tân này. Vì thế, việc Nhật sở hữu tàu sân bay đã trở thành sự thật. Thời gian qua, Tokyo cũng nhiều lần điều động chiến hạm thuộc lớp Izumo di chuyển trên Biển Đông nhằm phản ứng các hành vi của Bắc Kinh tại đây.

Sức mạnh của nước Úc

Nếu Nhật Bản có tàu sân bay án ngữ phía bắc Thái Bình Dương thì tại phía nam Thái Bình Dương, Úc cũng đang sở hữu sức mạnh tương tự với 2 chiến hạm thuộc lớp Canberra là HMAS Canberra và HMAS Adelaide. Lớp tàu này có chiều dài khoảng 230 m, độ choán nước toàn tải xấp xỉ 27.000 tấn nên hoàn toàn có thể mang theo và triển khai tác chiến với F-35B.

Giống như Nhật, Úc cũng là đối tác của Mỹ trong chương trình F-35 và đang trong quá trình tiếp nhận loại tiêm kích tối tân này. Bên cạnh đó, tàu lớp Canberra còn sở hữu thiết kế mũi hếch lên nên càng dễ triển khai F-35B.

Xét về yếu tố kinh nghiệm, Úc cũng là quốc gia sở hữu tàu sân bay từ thời Thế chiến 2, rồi sau đó nước này tiếp tục có thời gian dài vận hành hàng không mẫu hạm với lớp Majestic. Từ những yếu tố vừa nêu, Canberra hoàn toàn có đủ nền tảng để sở hữu hai tàu sân bay thực thụ với lớp Canberra.

Năm 2019, Úc từng điều tàu HMAS Canberra đến Biển Đông và bị theo sát bởi chiến hạm Trung Quốc. Ngoài ra, Úc cũng nhiều lần chỉ trích hành vi khó lường của Trung Quốc trên Biển Đông, nên xem việc điều động chiến hạm đến vùng biển này như một thái độ phản đối Trung Quốc.

Nỗ lực của Hàn Quốc

Ở khu vực bắc Á, bên cạnh Nhật Bản thì Hàn Quốc cũng có ý định phát triển tàu sân bay dựa trên 2 lớp tàu Dokdo và Hyuga. Vốn đều là loại tàu khu trục chở máy bay trực thăng, cả hai lớp tàu cùng có độ choán nước gần 20.000 tấn và chiều dài xấp xỉ 200 m. Hàn Quốc đã có 2 chiếc thuộc lớp Hyuga và 1 chiếc trong tổng kế hoạch 3 chiếc lớp Dokdo.

Theo các chuyên trang quân sự, nước này đã tính đến việc trang bị chiến đấu cơ F-35B cho tàu lớp Dokdo lẫn Hyuga. Điều này hoàn toàn khả thi vì sàn tàu của 2 lớp tàu này được thiết kế có thể chở và tổ chức tác chiến cùng tiêm kích F-35B.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn dự kiến sở hữu cả F-35B bởi Seoul cũng là một đối tác trong chương trình F-35, dù kế hoạch ban đầu chỉ là sở hữu phiên bản F-35A chuyên dành cho không quân.

Tuy nhiên, một thách thức đặt ra cho Hàn Quốc là nước này gần như chưa có kinh nghiệm triển khai tác chiến tàu sân bay. Đây là yếu tố không phải dễ dàng giải quyết.

Tham vọng chưa thành của Trung Quốc

Trong các đánh giá mà tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn trích, giới chuyên gia quân sự của Trung Quốc cũng kỳ vọng chiến hạm Type-075, có độ choán nước 40.000 tấn và dài khoảng 237 m, sẽ phát triển thành tàu sân bay khi phối hợp cùng chiến đấu cơ loại STOVL.

Tuy nhiên, thực tế đến nay Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện khả năng triển khai chiến đấu cơ với tàu sân bay truyền thống, cụ thể là trên tàu Liêu Ninh. Bắc Kinh vẫn còn trong quá trình “tập luyện” và kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay chỉ mới được hình thành gần đây, đồng thời chưa hề trải qua quá trình triển khai thực chiến.

Chiến đấu cơ J-11 mà Bắc Kinh sử dụng cho tàu sân bay lại chưa có phiên bản STOVL. Nga - đối tác cung cấp vũ khí quan trọng của Trung Quốc - cũng không hề sở hữu chiến đấu cơ loại STOVL. Trong quá khứ, thời Liên Xô, Moscow từng có kế hoạch phát triển Yak-141 là máy bay tiêm kích cất và hạ cánh thẳng đứng, nhưng rồi dự án này bị đình chỉ.

Vì thế, trong tương lai gần, việc sở hữu máy bay tiêm kích loại STOVL để triển khai cùng tàu Type-075 gần như là giấc mơ khó thành đối với Bắc Kinh.

Uy lực của Mỹ ở Thái Bình Dương

Không chỉ sở hữu 12 tàu sân bay vận hành bằng năng lượng hạt nhân gồm 2 lớp Nimitz và Gerald R.Ford, Mỹ còn sở hữu 10 chiến hạm thuộc 2 lớp America và Wasp đều là tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng. Trong đó, tàu lớp Wasp có chiều dài 257 m và độ choán nước xấp xỉ 40.500 tấn, tàu lớp America chiều dài cũng 257 m nhưng độ choán nước lên đến 45.000 tấn.

Đến nay, Washington đều đã triển khai F-35B vận hành cùng 2 loại tàu lớp America và Wasp để gần như đã nâng cấp lực lượng hải quân có đến hơn 20 tàu có thể tác chiến như tàu sân bay.

Không những vậy, bên cạnh các tàu sân bay, Mỹ cũng đã điều động tàu USS America thuộc lớp America đến Biển Đông. Mới đây, tàu này còn tổ chức tập trận trên Biển Đông.

Với sức mạnh như trên, và phối hợp cùng các đồng minh như Úc và Nhật Bản, Mỹ hình thành nên một mạng lưới tác chiến tàu sân bay quá uy lực ở khu vực Thái Bình Dương nói chung và bao quanh Biển Đông nói riêng.

 


Type-075 cũng chỉ dùng tác chiến đổ bộ

Tàu Type-075 của Trung Quốc là một loại tàu đổ bộ với trang bị cho phép phối hợp hỏa lực từ trên không lẫn phía biển để yểm trợ cho việc đổ bộ của binh sĩ cùng một số khí tài cần thiết. Trong đó, hỏa lực từ trên không thì tàu Type-075 có thể khai thác từ số máy bay trực thăng chiến đấu được mang theo.

Về bản chất, tàu đổ bộ chủ yếu phục vụ cho việc tác chiến đổ bộ, còn tàu sân bay thì tạo ra nền tảng để triển khai tác chiến bằng không quân với máy bay tiêm kích. Khi trang bị máy bay tiêm kích loại STOVL thì tàu đổ bộ cũng có thể triển khai tác chiến như tàu sân bay, tất nhiên hỏa lực cũng bị giới hạn.

Nhưng với bối cảnh thực tế hiện nay, trong tương lai gần, Bắc Kinh chỉ có thể sử dụng tàu Type-075 cho việc tác chiến đổ bộ từ biển trong các trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan hay một số nước ven Biển Đông.

 

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)


Theo Ngô Minh Trí (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.