Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Vẻ đẹp lao động ở Vân Sơn.

Vẻ đẹp lao động ở Vân Sơn.

“Các vị đến ăn cơm cửa sổ và uống rượu trong nhà

Để cho lúa thật tốt

Cho hạt gạo rắn chắc

Cho nước đi vào ruộng, cho cá đi vào hố vào mương…”

Theo tỉnh lộ từ huyện Bá Thước (Thanh Hóa), trên tuyến đường được ví như hành lang Tây Bắc huyền thoại chạy qua một vùng rừng núi trập trùng giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, tôi trở lại xã Vân Sơn đang vào mùa đẹp nhất. Nhiệt độ mát mẻ, không khí thoáng đãng, có núi có suối, Vân Sơn bình yên, tách biệt với ồn ào náo nhiệt dù thành phố cách đó không xa.

Từ xóm thuần nông thành nơi lưu trú

Nếu nhắc Vân Sơn với ngay cả những người Hòa Bình có lẽ đây còn là cái tên “chưa quen tai lắm”, bởi đây là xã được sáp nhập từ 3 xã Lũng Vân, Bắc Sơn và Nam Sơn của huyện Tân Lạc thành một xã Vân Sơn vào năm 2019. Cách đây mấy chục năm, ba xã vốn đã từ một xã tách ra, nay lại gộp vào. Bắc Sơn xưa là xã có địa hình phức tạp, có núi có rừng, cho đến năm trước khi sáp nhập, cả xã chỉ có duy nhất một người Kinh và hai gia đình người Thái sinh sống, còn lại là người Mường. Nam Sơn nổi tiếng với giống quýt cổ quả nhỏ dễ ăn lại rất thơm ngon. Còn suốt nhiều năm qua, xã Lũng Vân (cũ), nơi có đường tỉnh lộ đi qua, vừa là trung tâm giao lưu, gặp gỡ của các xã vùng cao phía tây của Hòa Bình, là cái tên có tiếng trong giới xê dịch. Từ cái tên Lũng Vân, nên sau này người ta còn gọi nơi đây là Thung Mây, Lũng Mây… để miêu tả vẻ đẹp của một vùng “thung lũng mây” đầy thơ mộng.

Không rõ tại sao những cái tên địa danh ở Hòa Bình thường gắn liền với những sự vật, hiện tượng thiên nhiên hay thời tiết. Nhiều nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh về cảm thức gần gũi với thiên nhiên, nhắc tới việc thiên nhiên hòa nhập vào tín ngưỡng, tâm hồn, nếp sống, nếp nghĩ của dân tộc Mường. Nói về mây núi bao quanh Vân Sơn, kể chuyện xa xưa hơn về những cái tên, người dân Vân Sơn nay vẫn truyền tai nhau rằng Lũng Vân chính là trung tâm của Mường Chậm xưa kia. Còn Mường Chậm lại nằm ở trung tâm của thung lũng Mường Bi, xứ Mường cổ nhất của đất Hòa Bình. Nơi ấy một bên giáp với rừng Noong Luông trăm tuổi âm u, bên kia là vùng đồi Pù Bin trông xuống những dòng suối có nước ấm tràn lên từ lòng đất.

Không chỉ đẹp, đây cũng là một trong những cái nôi văn hóa cổ của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Những người trẻ ở Vân Sơn đã nhìn ra tiềm năng của vùng đất và văn hóa nguồn cội ấy. Dẫn chúng tôi đi thăm thú một vòng, chỉ ra một sân cỏ ở khoảng đất trống bằng phẳng rộng rãi nhất thôn, chị Hà Thị Biêu, chủ homestay Xuân Trường ở xóm Chiến, xã Vân Sơn cho biết, đây cũng là nơi cả xóm thường tập trung trong những ngày hội chính của người Mường. Khu vực Xóm Chiến là vùng đất Nam Sơn cũ, nay đã xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng với 5 hộ làm homestay, rất hấp dẫn du khách. So với việc nuôi nhốt trâu bò, gia súc dưới gầm nhà sàn trước kia, nay hệ thống vệ sinh, nhà tắm hiện đại, sạch đẹp đã biến xóm thuần nông thành nơi làm dịch vụ lưu trú hàng đầu của xã. “Trước đây chăn trâu, chăn bò là để những dịp lễ, Tết, ngày cúng. Bây giờ gia đình đào thêm một cái ao thả cá, vẫn chăn thả một ít gà và dê, vừa để cung cấp thực phẩm trong gia đình vừa để phục vụ khách du lịch”, Biêu kể.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Sơn (nay là xóm Chiến), vợ chồng Hà Thị Biêu đã “khởi nghiệp” bằng một homestay sửa sang từ nhà sàn cũ của gia đình. Mấy năm trước, hai vợ chồng trẻ được ông bà giao cho “quản lý” cơ ngơi nho nhỏ này. Họ cũng là những người trực tiếp làm việc với các công ty lữ hành, có khi trao đổi, trò chuyện trả lời khách qua Facebook, Zalo, nhận “book” (đặt) phòng và đặt món ăn, làm “tour guide” (hướng dẫn viên) dẫn du khách đi tham quan những cảnh đẹp trong vùng. Lưu trú tại xóm Chiến, các đoàn khách, nhất là du khách nước ngoài còn thích chọn những cung đường đi bộ thăm thú tới động Nam Sơn hay hang Kiến ở xóm Tớn, xóm Hượp, hình thành cung đường trekking độc đáo, vừa rèn luyện vừa khám phá cảnh quan nơi này.

Chị Bùi Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vân Sơn cho biết thêm: “Ngoài việc phát triển các homestay, xã Vân Sơn còn hết sức chú trọng đến ẩm thực Mường để giới thiệu tới du khách. Bản Mường nổi tiếng với những món ăn đậm đà hương vị núi rừng như cơm lam, thịt nướng lá mắc mật, canh chua lá giang, và nhiều món ăn truyền thống khác. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi học nấu ăn cho du khách có thể tự tay chế biến và thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Mường”.

Nét độc đáo trong ẩm thực của người Mường được thể hiện trong cỗ lá, một thứ “nghệ thuật” sắp đặt, bày trí các món ăn trên lá chuối. “Ngồi vào mâm cỗ, qua cách ngồi, cách ăn, cách rót, lời mời... chúng tôi đều có những quan niệm riêng”, chị Tươi giảng giải. Ẩm thực đóng một vị trí hết sức đặc biệt, bởi hầu như trong lễ hội hay sự kiện lớn trong đời người nào của người Mường cũng có “ăn uống” hoặc liên quan đến đồ ăn thức uống. Một trong những nghi lễ được tổ chức ở tất cả các mường mỗi dịp đầu năm có tên là Lễ “khang pa nốp thê” chuẩn bị cho vụ mùa mới. Xưa kia, trong ngày cúng này, dân bản không cúng thịt và cá, họ bầy đồ cúng gồm toàn đồ chay với gạo, hoa quả. Trong bài cúng, mo Mường nhắc tên vị thần cai quản đồng ruộng, gọi mời những chủ nhân của ao chuôm và chủ nhân của đồng ruộng để bày tỏ lòng tôn kính với thiên nhiên, trời, đất và nước:

“Các vị đến ăn cơm cửa sổ và uống rượu trong nhà

Để cho lúa thật tốt

Cho hạt gạo rắn chắc

Cho nước đi vào ruộng, cho cá đi vào hố vào mương…”

Mối liên kết giữa đất và người không chỉ nằm trong tín ngưỡng, mà trong từng hành động, tâm thức, từng việc làm nhỏ. Trong phần ghi chú sau chuyến đi Hòa Bình, tôi đánh dấu lại một đoạn ai đó đã kể rằng, trước kia, khi đi săn một mình, người Mường chỉ săn thú nhỏ như gà, chim, dúi, chuột cho bữa ăn. Trong ống nỏ của họ cũng không để quá mười mũi tên, không đào hố săn, chỉ làm bẫy săn thú nhỏ và hễ săn được một con chim hoặc thú nhỏ là quay về. Chợt nghĩ, sẽ thật buồn nếu những điều đẹp đẽ đó không ai nhắc tới nữa, cứ dần bị lãng quên trong khi chúng ta đang thừa thãi quá nhiều những thứ cứ lặp đi lặp lại...

Chuyện một xã 10 năm không có tội phạm

Nằm ở độ cao gần 1.000 m so mực nước biển, trong địa hình rừng núi đan xen lại có khí hậu mát mẻ quanh năm, Vân Sơn mang bóng dáng một “Tây Bắc thu nhỏ”. Thêm vào đó, có dịp chuyện trò với những người dân địa phương, được “lan tỏa” lối sống hài hòa với thiên nhiên, có lẽ với những đặc trưng và gốc văn hóa Mường dày dặn chính là nền tảng cho nếp sống văn minh, bình yên ở Vân Sơn bây giờ. Khi tới Vân Sơn, chúng tôi được giới thiệu, trong suốt mười năm qua, xã không hề có bóng dáng tội phạm. “Một số vụ việc phạm pháp xảy ra nhưng ở địa bàn khác. Xã Vân Sơn hiện nay là địa bàn của ba xã trước kia, đã 10 năm nay không hề phát sinh tội phạm, không có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không có tội phạm hình sự, không có người nghiện ma túy, không có mâu thuẫn, tranh chấp và không có điểm nóng”, Thiếu tá Phạm Xuân Tùng, cán bộ công an xã cho biết.

Còn chị Biêu, trong lúc chuyện trò với chúng tôi cũng vui vẻ xác nhận điều này. Chị bảo, ngoài việc xe cộ ở đây không phải khóa bao giờ, thì nhà chị, nay đã được cải tạo làm homestay, chỉ biết đến cái khóa từ khi mở ra làm dịch vụ du lịch, cũng chỉ để tạo cảm giác an toàn cho khách. “Mình mở homestay cũng không cần phải đếm khách, lúc đông quá thì đứng ở dưới đếm dép, bao nhiêu đôi thì bấy nhiêu người”, chị thực thà tâm sự.

Chuyện một xã 10 năm không có tội phạm chẳng có gì là lạ ở đây, bởi đó không phải nằm ở trên sổ sách mà xuất phát từ bình yên thật sự trong đời sống thường ngày ở Vân Sơn. Ông Đinh Xuân Lừng, người xã Nam Sơn (cũ) nhớ lại, cả chục năm nay, mà có lẽ còn từ lâu hơn, Nam Sơn đã không có các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút… “Đối với người dân địa phương, an ninh trật tự ở xã Vân Sơn rất ổn định. Ở đây không có các loại tội phạm, đặc biệt là các tội phạm hình sự, gần như là không có bao giờ. Ví dụ như hôm nay trời mưa, anh chị đi thăm những vườn quýt cổ của chúng tôi, không có ai mất mát, cũng không ai phải rào một cái gì bao giờ. Bây giờ làm sao để giữ được sự yên bình này là quan trọng nhất”, ông chậm rãi nhấp ngụm nước chè, phân tích với chúng tôi, rồi kết luận đầy tự hào: “Đây là một cái địa phương rất là bình yên như thế!”. Với chúng tôi, sự bình yên đó bắt nguồn từ nền tảng rất vững chắc, là một vùng Mường cổ có bề dày truyền thống và lịch sử, những con người đôn hậu, chất phác, tôn trọng nhịp điệu đất trời, sống hài hòa với tự nhiên.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.