
Mấy ngày qua, vụ việc hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (tỉnh Quảng Nam) rơi vào cảnh khốn đốn do doanh nghiệp (DN) nợ đóng BHXH hơn 10 tỉ đồng, khiến dư luận xót xa.
Không khó hình dung bức xúc của người lao động (NLĐ) tại DN này khi gần 3 năm trời bị DN thẳng tay trừ lương nhưng không trích nộp BHXH.
Việc DN chây ì nợ BHXH kéo dài khiến CN bị tước đoạt quyền thụ hưởng các chế độ ngay tại nơi mình từng làm việc, gắn bó. Không ít lần, họ bày tỏ nguyện vọng được gặp gỡ lãnh đạo DN công ty để tìm kiếm một giải pháp triệt để cho vấn đề nợ đọng BHXH kéo dài nhưng đáp lại là sự thờ ơ đáng sợ. Điều khiến dư luận càng bức xúc hơn dù các cơ quan chức năng đã cố gắng liên hệ để can thiệp, bảo vệ quyền lợi NLĐ, DN cũng phớt lờ.
Vụ việc tại Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 không phải là cá biệt, gây nhiều hệ lụy lâu dài khi DN nợ BHXH là rất lớn. NLĐ không được xác nhận thời gian tham gia để hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất... Xa hơn, nếu nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng, NLĐ có thể không được nhận lương hưu, hoặc mất quyền lợi BHYT đi kèm theo BHXH.
Để xảy ra tình trạng này lỗi hoàn toàn thuộc về DN khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật với NLĐ. Điều càng đáng phê phán hơn là việc DN cố tình "chiếm dụng" tiền lương CN nhưng không trích nộp BHXH, từ đó đẩy NLĐ vào thế khó.
Và cũng không thể không nói đến cơ chế giám sát, thanh tra của các cơ quan chức năng còn hạn chế, khiến DN chây ì hoặc trì hoãn nộp BHXH trong thời gian dài. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao một DN nợ BHXH hàng chục tháng trời nhưng không thấy bị xử phạt?
Luật BHXH 2024 đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng tham gia BHXH; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Ngoài ra, Luật BHXH đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 8, điều 13).
Chế tài đã có, song theo các chuyên gia lao động, nếu các cơ quan chức vẫn tiếp tục lơ là trong giám sát và thiếu biện pháp xử lý các DN có dấu hiệu chây ì, trốn đóng thì quyền lợi NLĐ còn bị xâm phạm. Do vậy, trước mắt, ngoài tăng tần suất thanh tra chuyên ngành về BHXH, đặc biệt với DN có dấu hiệu chây ì nợ BHXH, cần có những biện pháp mạnh tay hơn, quyết liệt hơn như: phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, dừng sử dụng hóa đơn… đối với DN cố tình sai phạm. Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp cần đồng bộ để xử lý triệt để hành vi chậm, trốn đóng BHXH của DN.
Về phía tổ chức Công đoàn, cần chủ động giám sát chặt chẽ việc đóng BHXH của DN, kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nhằm triệt tiêu mầm mống nợ BHXH.
Có vậy, chúng ta mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ.
Theo Vĩnh Tùng (NLĐO)