(GLO)- Báo cáo tháng 8 và 8 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, nền kinh tế đang dần lấy lại nhịp tăng trưởng như trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Vốn FDI thực hiện trong 8 tháng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa tăng cao… Tuy nhiên, giữ nhịp tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều biến động là thách thức và là những điểm nghẽn cần nhận rõ và nỗ lực vượt qua.
Theo số liệu thống kê kinh tế tháng 8 và 8 tháng do Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp được nhiều chuyên gia quan tâm khi tiếp tục tăng mạnh trở lại khoảng 15%, bằng tốc độ tăng trước đại dịch. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của khối doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp và nông nghiệp sẽ đảm bảo nguồn cung bền vững và ổn định, đóng góp vào nỗ lực kiềm chế mức tăng đột biến của chỉ số giá tiêu dùng.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. (Ảnh Nguyễn Đức/NDO) |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 33,38 tỷ USD. Tính chung 8 tháng ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 30,96 tỷ USD, tính chung 8 tháng ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Xuất siêu tháng 8 đạt 2,42 tỷ USD, 8 tháng ước tính đạt 3,96 tỷ USD. Tiến sĩ Lê Duy Bình-Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Econimica Việt Nam-cho rằng: Mức xuất siêu này đã hỗ trợ rất nhiều cho việc thực hiện những chính sách tiền tệ của Chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh khá áp lực đối với đồng tiền Việt Nam trong thời gian vừa qua. Kinh tế tăng trưởng khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng khoảng 2,5% và lạm phát cơ bản chỉ tăng khoảng 1,6% là một điểm sáng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực đang chịu nhiều khó khăn, vật lộn với chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng cao.
Một trong những chỉ số đáng ghi nhận khác trong 8 tháng qua là cả nước có gần 150.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 18.700 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cũng có 104,3 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22%.
Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải rút lui khỏi thị trường do không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hoặc không chịu đựng được những khó khăn đã trải qua kể từ khi có đại dịch cho thấy nhịp phục hồi tăng trưởng chưa bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh mới. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Chí Anh-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội): “Sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 40% tăng trưởng GDP hàng năm. Nếu không giải được bài toán hỗ trợ cho khu vực này thì rủi ro trong đảm bảo tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi. Bên cạnh các chỉ tiêu đánh giá đồng nhất giữa số liệu của Tổng cục Thống kê cũng như World Bank về sự phục hồi tốt của kinh tế Việt Nam thì vế thứ 2 của câu chuyện tăng trưởng là những điểm nghẽn về nợ xấu ngân hàng, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, chỉ số tiêu dùng tăng… cũng cần được quan tâm.
Các chuyên gia khẳng định, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn. Độ trễ của lạm phát sẽ tập trung trong quý 4 và cả năm sau. Vì vậy, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó, đặc biệt là điều hành giá xăng, dầu tiếp tục là yêu cầu từ thực tiễn cần phải quan tâm. Ngoài ra, tất cả những thay đổi trong thị trường lao động hoặc hành vi của người tiêu dùng… đều cần được theo dõi để đảm bảo hoạt động tăng trưởng duy trì nhịp độ cao, không ảnh hưởng đến những cân đối lớn của nền kinh tế.
Kinh tế vĩ mô ổn định những tháng cuối năm sẽ là tiền đề tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của toàn nền kinh tế vào năm 2023. Tất cả điều này đòi hỏi cấp vĩ mô cần có những chủ trương, chính sách nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa trong tiến trình phục hồi kinh tế. Cùng với đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân cùng nỗ lực trong nỗ lực chung của khối doanh nhân-doanh nghiệp để đưa đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu hơn trong phục hồi và phát triển kinh tế.
ĐÌNH CƯƠNG