Trăn trở để du lịch mạo hiểm phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là tỉnh có địa hình đồi núi lớn, nhiều hang động đẹp, Quảng Bình có tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm lớn. Đây là sức lôi cuốn đặc biệt mà ít tỉnh thành nào có.


Trong đó, có những hang động đặc biệt, như: hang Khe Ry là hang nước dài nhất thế giới (18.902m), hang Vòm dài 16 km, động Phong Nha là động có sông ngầm dài nhất (7.729 m), động Thiên Đường là động khô có chiều dài và hệ thống thạch nhũ kỳ vĩ và độc đáo nhất (trên 7km)…

Địa chất, địa mạo kỳ vĩ cũng là điều kiện tiên quyết hình thành những cảnh quan tuyệt đẹp, kỳ thú, hoang sơ. Quảng Bình có những cánh rừng nguyên sinh thuần loài như rừng Gáo, rừng bách xanh trên núi đá vôi, thung lũng Sinh tồn,… thuận lợi để tổ chức du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm phổ thông, khám phá sông ngầm, hang động.

Hình minh họa.
Hình minh họa.


Song hiện nay du lịch mạo hiểm vẫn đang đi trên những bước đường nhỏ, khó bứt phá. Tại Quảng Bình, “con đường” duy nhất vào Sơn Đoòng hay các hang động lớn chỉ có thể thông qua nhà cung cấp duy nhất là Oxalis Adventure Tours (công ty chuyên điều hành những chuyến tham quan du lịch mạo hiểm).

Chia sẻ về những khó khăn trên các cơ quan thông tấn, ông Đặng Đông Hà-Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: “Du lịch mạo hiểm không còn quá mới nhưng tỉnh lại chưa chuẩn bị được gì để bảo vệ an toàn cho người chơi tham gia vào sự mạo hiểm đó. Nguyên nhân là do lực lượng mỏng, đầu tư nhỏ giọt, thiếu tính chuyên nghiệp từ cơ sở pháp lý đến giám sát, đào tạo”.

Đội ngũ hướng dẫn viên cũng là một thách thức lớn vì do yêu cầu chuyến đi mạo hiểm cần tới sự chuyên nghiệp về kiến thức, kỹ năng và sức khỏe, nên hầu hết lực lượng này ở Việt Nam đều là người nước ngoài. Người vận chuyển là vị trí duy nhất có sự tham gia của cư dân bản địa.

Mới đáp ứng được đại đa số khách du lịch phổ thông, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình mang nhiều trăn trở làm sao để tỉnh Quảng Bình tiếp tục có những sản phẩm du lịch mạo hiểm hấp dẫn, sáng tạo hơn. Bởi hiện nay đầu tư du lịch mạo hiểm còn gặp nhiều vướng mắc như thiếu trang thiết bị đủ tiêu chuẩn, quy định an toàn sơ sài, quản lý lỏng lẻo,… Lý do đó khiến các tài nguyên thiên nhiên Việt Nam lần lượt bị các công ty nước ngoài khai thác.

Với những hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế về xây dựng, khai thác cũng như quản lý mô hình này, không chỉ chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình đang phải “loay hoay” giải một bài toán khó, mà các tỉnh thành khác có định hướng phát triển mô hình du lịch mạo hiểm cũng đã, đang hoặc sẽ đứng trước những thách thức và nguy cơ tương tự.

Từ câu chuyện của tỉnh Quảng Bình, có thể thấy, mô hình du lịch mạo hiểm có rất nhiều tiềm năng, nhưng muốn làm được không hề dễ dàng bởi tính rủi ro cao. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải có chính sách, định hướng rõ ràng, cân nhắc các phương hướng khả thi, chặt chẽ; sử dụng đội ngũ giàu kinh nghiệm, giàu chuyên môn; bên cạnh cơ sở hạ tầng phải được đầu tư, kiểm tra nghiêm ngặt, thường xuyên nhằm đảm bảo yếu tố quan trọng tiên quyết-đó là sự an toàn tuyệt đối về sức khỏe, tính mạng con người, sau đó mới tính đến nguồn thu cho địa phương.


Ngọc Diệp/PLVN
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.