Vào các ngày từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần, tiệm gốm đều đặn mở cửa đón những ai muốn tìm hiểu về môn nghệ thuật trên với sự hướng dẫn của nghệ nhân đến từ vùng gốm nức tiếng Biên Hòa-Đồng Nai. Đây là trải nghiệm hết sức mới lạ bởi gốm không phải là nghề truyền thống của cư dân vùng đất này.
Phần hướng dẫn làm sản phẩm trên bàn xoay của nghệ nhân gốm Nguyễn Trọng Tuấn khiến nhiều người thích thú. Ảnh: Lam Nguyên |
Đến với không gian giản dị, xanh mát của tiệm gốm, từ những khối đất sét sẵn có, khách được chứng kiến quá trình làm ra một sản phẩm, được hướng dẫn tỉ mỉ về cách thức nặn gốm thủ công hoặc chế tác bằng bàn xoay. Dựa vào sự khéo léo của đôi tay, khách có thể tự làm ra 1 chiếc ly, đĩa, chén, bình cắm hoa… đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng tùy vào ý tưởng riêng.
Sau khi sản phẩm được hong khô, khách tiếp tục trang trí bằng màu vẽ. Thêm một lần nữa, sự sáng tạo của cá nhân được in dấu lên sản phẩm. Có người chủ yếu trang trí bằng cách khắc, vẽ họa tiết, hoa văn là các hình khối, hoa lá, đường diềm; có người nắn nót viết tên mình. Khâu cuối cùng là ký gửi sản phẩm ở tiệm, chờ khoảng 1 tuần thì quay lại để vui mừng nhận “đứa con tinh thần” hoàn thiện sau khi nung qua lửa.
Với đôi bàn tay điêu luyện khi tạo tác sản phẩm trên chiếc bàn xoay đặc thù, nghệ nhân gốm Nguyễn Trọng Tuấn đến từ Đồng Nai đã thu hút những ánh nhìn đầy ngưỡng mộ, háo hức của các em nhỏ. Qua từng vòng xoay, chỉ cần một động tác tay thay đổi, sản phẩm đã biến đổi đầy dụng công để rồi hoàn thiện với đủ kiểu dáng bắt mắt.
Vừa “chơi” với đất sét, nghệ nhân Nguyễn Trọng Tuấn vừa nêu nhận xét: “Cách nhìn, cách thể hiện ý tưởng của các em thiếu nhi khi đến đây rất sáng tạo. Tôi nghĩ rằng nghệ thuật gốm sẽ ngày càng phát triển và thu hút nhiều hơn nữa những ai thực sự yêu nó”.
Sản phẩm gốm sau nung đầy nét ngộ nghĩnh trẻ thơ của các em nhỏ. Ảnh: Lam Nguyên |
Dù mới mở chưa lâu nhưng với không gian sáng tạo độc đáo, tiệm gốm Bàn Xoay đã thu hút khá nhiều người tìm đến trải nghiệm. Có ngày tiệm đón hàng chục khách đủ lứa tuổi. Nhân ngày cuối tuần, chị Võ Thị Phượng (92/3 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) đưa con gái đến đây tìm hiểu nghệ thuật làm gốm. Bị thu hút bởi sự lý thú mới lạ, chị chú tâm cùng con chọn màu, tô vẽ sao cho sản phẩm thật đẹp mắt.
“Mình muốn bé được trải nghiệm sáng tạo thủ công với đôi tay, vì qua đôi tay sẽ thể hiện sự khéo léo, tinh tế, kiên trì. Chơi với gốm giúp con cảm nhận hồn quê hương, nét văn hóa của dân tộc”-chị Phượng chia sẻ.
Bạn trẻ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Chủ tiệm gốm-cho hay: Em tốt nghiệp Khoa Tâm lý học (Đại học Văn Hiến, TP. Hồ Chí Minh) song lại mê nghệ thuật gốm nên đã dành thời gian theo học. Chia sẻ lý do mang mô hình mới mẻ này về Gia Lai, Quỳnh kể về cảm xúc của mình khi lần đầu ngồi “nghịch” đất sét hàng giờ. “Khi làm gốm, mình tập trung vào nó hoàn toàn, không suy nghĩ về điều gì khác nữa, và nhận ra, quá trình làm gốm cũng là một cách thiền để tìm về với chính mình”-Quỳnh bày tỏ.
Bạn trẻ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-chủ tiệm gốm Bàn Xoay (bìa phải) và khách trải nghiệm bên những sản phẩm vừa hoàn thiện. Ảnh: Lam Nguyên |
Đối với các gia đình, khi đến với tiệm gốm thì không chỉ thiết lập được sự kết nối giữa các thành viên khi cùng tham gia một hoạt động chung thú vị mà qua đó còn bồi đắp năng khiếu và óc sáng tạo của con trẻ.
Nhiều người cũng bị hấp dẫn bởi khi tìm hiểu các dòng gốm trưng bày tại đây, đặc biệt là màu men xanh đồng trổ bông hết sức đặc trưng và nổi tiếng của gốm Biên Hòa. Ngay cả việc nhìn ngắm sản phẩm ngộ nghĩnh, đôi khi là vụng về của trẻ thơ cũng mang lại nguồn năng lượng kỳ lạ, đưa mỗi người trở về với một khoảng lặng riêng mình, để thêm một lần được hồn nhiên như cây cỏ.