Trả lại hành lang an toàn cho tỉnh lộ 664

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông trên tỉnh lộ 664, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). 
Tỉnh lộ 664 đoạn đi qua địa bàn huyện Ia Grai từng là tuyến đường “nóng” về tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) dẫn đến TNGT diễn biến phức tạp. Gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng này cơ bản được giải quyết.
Ông Đặng Lương Minh Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-thông tin: Tỉnh lộ 664 đoạn chạy qua xã Ia Dêr có lưu lượng tham gia giao thông đông, nhiều điểm giao cắt với đường làng và đặc biệt là tại một số khu vực buôn bán sầm uất thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm chỉ giới đường bộ, làm che khuất tầm nhìn, từ đó xảy ra nhiều vụ TNGT. Xã đã xây dựng kế hoạch và tập trung lực lượng để xử lý dứt điểm tình trạng họp chợ tự phát bên đường, đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tháo dỡ công trình vi phạm hành lang ATGT và ký cam kết không tái lấn chiếm. “Riêng về điểm họp chợ tự phát, xã đã mượn một khoảnh đất trống để bố trí nơi buôn bán tạm thời cho bà con. Về lâu dài, xã cũng đã có quy hoạch xây dựng chợ tại địa điểm phù hợp. Nhờ vậy, tuyến tỉnh lộ 664 đoạn qua địa bàn xã giờ đã thông thoáng, TNGT giảm đáng kể”-ông Điệp nói. 
Cảnh trưng hàng hóa buôn bán sát mép đường trên tỉnh lộ 664 đoạn qua xã Ia O trước đây. Ảnh Lê Hòa
Cảnh bày bán hàng hóa buôn bán sát mép đường tại tỉnh lộ 664 đoạn qua xã Ia O trước đây. Ảnh: Lê Hòa

7 tháng năm 2021, trên địa bàn huyện Ia Grai xảy ra 11 vụ TNGT, làm chết 12 người, bị thương 5 người (tăng 3 người chết, giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, có 3 vụ TNGT xảy ra trên tỉnh lộ 664, làm chết 3 người, bị thương 2 người.

Từ một trong những đoạn tuyến “nóng” về tình trạng họp chợ tự phát, đến nay, tỉnh lộ 664 đoạn qua địa bàn xã Ia Krai cũng đã thông thoáng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Tấn cho hay: “Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo lực lượng Công an xã và cán bộ địa chính rà soát, đo vẽ để xác định chỉ giới và yêu cầu người dân bày bán hàng hóa trong chỉ giới cho phép, ký cam kết tháo dỡ công trình, vật kiến trúc vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền người dân không mua bán trong hành lang ATGT và phối hợp lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm”.

Điểm họp chợ tự phát tại làng Blang 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã được bố trí, di dời vào khu đất trống xa đường đảm bảo ATGT. Ảnh: Lê Hòa
Điểm họp chợ tự phát tại làng Blang 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã được bố trí, di dời vào khu đất trống xa đường đảm bảo ATGT. Ảnh: Lê Hòa
Theo ông Nguyễn Đức Thừa-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai, qua rà soát, trên tỉnh lộ 664 có 4 điểm kinh doanh tự phát hai bên đường thuộc các xã: Ia Dêr (lý trình Km 5 và Km 5+700, họp chợ lúc 13-18 giờ hàng ngày), Ia Tô (lý trình từ Km 30+700 đến Km 31+300, họp chợ lúc 5-10 giờ), Ia Krai (lý trình Km 47+100 đến Km 48, họp chợ lúc 5-10 giờ và 15-18 giờ). “Đối với các khu vực này, Ban ATGT huyện phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông và UBND các xã thường xuyên kiểm tra, giải tỏa; đồng thời, rà soát, xem xét bố trí các khu vực buôn bán nằm ngoài phạm vi hành lang ATGT đường bộ. Về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động các hộ dân vào buôn bán tại các chợ, điểm được bố trí cho kinh doanh”-ông Thừa cho biết.
Được biết, đến nay, đoạn tỉnh lộ 664 đã khởi công 2 gói thầu sửa chữa từ Km 33 đến Km 34+500 và từ Km 41 đến Km 43, Km 51 đến Km 52 với tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 316/NQ-HĐND về việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 664 (đoạn từ Km 0 đến Km 15+350) từ TP. Pleiku đến thị trấn Ia Kha. Dự án có mức đầu tư 150 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm (2021-2023). “Dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương và kéo giảm TNGT có nguyên nhân từ hạ tầng chưa đảm bảo”-ông Thừa nhấn mạnh.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.