Những cảnh báo nghiêm khắc nhất không được tuân thủ; nỗi lo lắng lớn nhất thành hiện thực: Đã phát hiện một số người dương tính với SARS-CoV-2 tại TP HCM. Hành trình bình yên trước đại dịch phải dừng lại ở ngày thứ 89.
Sự nguy hiểm của Covid-19 đến nay không còn gì phải nghi ngờ khi mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người chết vì nó. Đây là thảm họa tồi tệ nhất của loài người thời hiện đại, đẩy cả trăm quốc gia vào khốn khó khi sức khỏe của con người luôn bị uy hiếp, kinh tế bị đình trệ. Ở cấp độ gia đình, hầu như ai cũng bị ảnh hưởng, việc làm phập phù, tính mạng từng người bị đe dọa bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, sau những nỗ lực vượt bậc của cả Chính phủ và người dân mang lại thành công khi ngăn chặn được bệnh dịch lây lan ra cộng đồng, thì nay có những người, những cơ quan, những địa phương đã mất cảnh giác. Một tiếp viên hàng không đã không tuân thủ quy định về cách ly, bộc lộ lỗ hổng tại quy trình cách ly của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và nguy hại hơn nữa khi bệnh nhân này đã lây bệnh cho người khác. Chúng ta đang phải sống trong những ngày phập phồng lo lắng, bởi những người tiếp xúc gần khá lớn và danh sách ngày càng mở rộng.
Sự chủ quan xem thường, thậm chí là lạc quan tếu kiểu "Covid-19 nó chừa mình ra" đang hiện diện khắp nơi trên cả nước, mặc cho hằng ngày các cơ quan y tế và Chính phủ luôn nhắc nhở, yêu cầu đặt các biện pháp phòng ngừa trong tình trạng báo động cao nhất. Dễ thấy là tình trạng không đeo khẩu trang ở nơi công cộng mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh trong thời gian qua. Nơi tập trung đông người như bến xe, bến tàu, ga hàng không, trường học, công viên, trung tâm thương mại vẫn còn nhiều người không đeo khẩu trang dù luôn được nhắc nhở. Lực lượng chức năng ở các địa phương cũng có phần làm ngơ dù quy định xử phạt đã có.
Ngăn chặn được dịch bệnh đó là điều may mắn. Nhưng sự may mắn này phải được từng người tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, được hệ thống y tế và chính trị của cả quốc gia nỗ lực vào cuộc. Một người vừa bị nhiễm trong cộng đồng nhưng hậu quả vô cùng lớn nên cả bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương phải lao tâm khổ tứ, dồn sức người sức của để phòng chống, trong khi những nhiệm vụ khác đang cấp bách: Kích hoạt kinh tế, tạo công ăn việc làm, khắc phục hậu quả thiên tai...
Theo công bố được các cơ quan y tế quốc tế cập nhật 2 ngày mới đây cho biết số ca bị Covid-19 trên toàn cầu là 62 triệu người và hơn 1,5 triệu người đã chết. Đừng nhìn con số này xa lạ, bởi đơn giản là Covid-19 đang hiện diện tại Việt Nam. Không còn cách nào khác, mỗi người phải là một nhân viên y tế với kiến thức cơ bản về Covid-19 như đeo khẩu trang, tránh tụ tập, nếu có tiếp xúc gần với người có nguy cơ thì nhanh chóng khai báo y tế... Trước hết, đây là trách nhiệm với cộng đồng và quan trọng hơn còn là nghĩa vụ với gia đình, bản thân.
Hãy bỏ ra ít phút để cảm nhận sự khốn khổ của những người mắc bệnh: Người già ngất lịm vì phổi bị virus SARS-CoV-2 tàn phá; phụ nữ không thở nổi vì đường hô hấp tổn thương; những cháu bé tím tái phải thở qua máy... Từng người lơ là sẽ thành nhiều người chủ quan và cộng đồng sẽ trả giá. Trong cộng đồng này có bản thân mỗi người và người thân của chúng ta.
Theo Hiếu Nghi (NLĐO)