TP.Thủ Đức - Kỳ vọng về một đô thị kiểu mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lãnh đạo TP.HCM cam kết sẽ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để biến TP.Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” đầu tiên thành đô thị kiểu mẫu, đóng góp 7% GDP cả nước.

TP.HCM dự kiến trình cấp thẩm quyền xem xét nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để TP.Thủ Đức thành cực tăng trưởng mới trong tương lai gần. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
TP.HCM dự kiến trình cấp thẩm quyền xem xét nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để TP.Thủ Đức thành cực tăng trưởng mới trong tương lai gần. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngày 31.12.2020, tại trụ sở UBND Q.2 diễn ra lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM (gọi tắt là Nghị quyết 1111). Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bộ ngành T.Ư và TP.HCM cùng người dân đến dự.
Cực tăng trưởng mới của TP.HCM
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá việc thành lập TP.Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận Thủ Đức, Q.2, Q.9 mà còn là cột mốc phát triển của TP.HCM trong hội nhập quốc tế, thu hút sự quan tâm của người dân trong nước và quốc tế bởi TP.Thủ Đức là “ thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. “Đây là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, là hạt nhân thúc đẩy cực tăng trưởng mới của TP.HCM và khu vực phía nam”, ông Lưu nói.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị TP.HCM tập trung xây dựng, trình quy hoạch chung xây dựng TP.Thủ Đức, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tri thức, môi trường sống thân thiện. Bên cạnh đó, TP.HCM cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TP.Thủ Đức so với 16 quận khác của TP.HCM để phát huy hết các thế mạnh, tính tự chủ, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, quản lý hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Một số dự án triển khai trong thời gian tới
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu của TP.Thủ Đức với các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025. Có thể kể đến một số công trình như: xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, cải tạo rạch Bình Thái (P.Trường Thọ), công trình chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi. Đồng thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường gồm: Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, QL13 cũ, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, vành đai 2...
TP.HCM cũng lập kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh, đặt mục tiêu trồng khoảng 1 triệu cây xanh tại các công viên, các tuyến đường để TP.Thủ Đức có thể trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường.
Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kỳ vọng TP.Thủ Đức sẽ giúp khu vực phía đông sớm hình thành hạt nhân của cực tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế toàn khu vực, thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Ông Nên cho biết Thành ủy TP.HCM đã lập 2 ban chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết 1111 và tiếp tục khắc phục tồn tại trên địa bàn 3 quận. Trong đó, xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí chất lượng đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết TP.Thủ Đức là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước nên TP.HCM sẽ căn cứ vào Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để TP.Thủ Đức phát triển mạnh mẽ, trở thành một đô thị kiểu mẫu.
Chuyển đổi giấy tờ từ ngày 7.2
Về các công việc tiếp theo sau khi công bố Nghị quyết 1111, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết vấn đề trước mắt là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự vận hành bộ máy, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp trong thời gian chuyển tiếp. TP.HCM sẽ sắp xếp tổ chức, bộ máy trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ ngày 1.1 - 7.2), hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của các tổ chức Đảng, Ủy ban MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thuộc ngành dọc của T.Ư; đảm bảo chính thức hoạt động từ ngày 7.2. Giai đoạn 2 (từ ngày 7.2 - 23.5), tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan với nguyên tắc không thu các loại lệ phí. Giai đoạn 3 (từ ngày 23.5 trở đi), các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP.Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để hoạt động của chính quyền TP.Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP.Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước, là động lực mới để TP.HCM tăng trưởng nhanh và bền vững. Để đạt mục tiêu đó, TP.HCM sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể TP.Thủ Đức; lập và phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm để kêu gọi đầu tư.
Theo Sỹ Đông (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.