Tại TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động, người có thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, dù nhu cầu tăng, nhưng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở xã hội lại đang giảm bởi nhiều tác động…
Nguồn cung giảm dần
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), 9 tháng đầu năm 2020, đã hoàn thành phần thô 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.213 căn hộ, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9 năm 2020 lên 13.186 căn hộ.
Hiện tại, có 5 dự án đang thi công xây dựng với quy mô 4.758 căn hộ dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ước lũy kế có thể hoàn thành 17.944 căn hộ nhà ở xã hội đạt 89,72% so với mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, cũng theo HoREA, từ tháng 3 đến tháng 7.2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án. Trong đó, chỉ có 163 căn nhà thuộc phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: Hữu Huy |
Theo thông tin từ Phòng Quản lý Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TPHCM, nhu cầu sở hữu căn hộ để ổn định cuộc sống của người dân TP ngày càng lớn và bức thiết. Hồ sơ xin đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung giảm dần.
Tìm cách gỡ khó
Theo các chuyên gia bất động sản, các quỹ đất mà TPHCM dành cho nhà ở xã hội cũng đang rất hiếm và rất khó tìm được nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số lượng vốn lớn để làm hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông đồng bộ.
Tại các khu vực gần trung tâm thành phố, giá đất rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân mà phải đi ra xa trung tâm. Còn ở khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp nên kém thu hút cư dân. Bên cạnh đó, ở một số nơi giá nhà ở xã hội lại không chênh lệch quá xa so với nhà thương mại. Điều này làm cho đối tượng có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội.
|
Một chung cư - nhà ở xã hội ở quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Hữu Huy |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM cho rằng, TPHCM và các bộ, ngành cần xem xét các đề xuất để ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý. Đối với vấn đề nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tín dụng để người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.
Để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn; Bên cạnh đó báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nếu khai thác không hiệu quả.
NGUYỄN HUY (LĐO)