Du khách trong và ngoài nước khi ghé thành phố Hồ Chí Minh phần nhiều đều thích thú với diện mạo hiện đại, sôi động nhiều sắc màu nơi đây. Thế nhưng, thành phố mang tên Bác với chặng đường 300 năm còn có một góc khác, ẩn chứa những giá trị lịch sử với dấu ấn thời gian…
1. Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc lập)
Công trình được thiết kế theo phong thủy và kiến trúc phương Đông nhưng lại rất hiện đại. Tham quan dinh Độc Lập, du khách có thể chiêm ngưỡng tận mắt nhiều vật phẩm từ chế độ cũ cũng như những chứng tích ghi dấu thời khắc ngày độc lập 30/4/1975.
Dinh Độc lập mở cửa từ cuối năm 1966 và hiện đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Giây phút lịch sử xe tăng của bộ đội Việt Nam chạy qua cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, thời điểm đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối. (Ảnh: AP) |
2. Nhà thờ Đức Bà
Tọa lạc ngay trục đường chính ở trung tâm thành phố, hiện nay nhà thờ Đức Bà đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Nơi đây nổi bật với kiến trúc châu Âu kết hợp phong cách Roman và Gothic tuyệt đẹp, cùng cặp chuông lớn nhất Việt Nam.
Nhà thờ Đức Bà bắt đầu mở cửa từ tháng 4-1880, là ngôi thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, niềm tự hào của người dân thành phố. Khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà có cảnh quan đẹp nhất tại Sài Gòn.
3. Chợ Bến Thành
Khu Chợ mở cửa từ năm 1914 này tọa lạc ngay trung tâm thành phố, 4 cửa hướng ra quảng trường Quách Thị Trang, và các con đường lớn khác của thành phố như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lê Thánh Tôn.
Bên trong chợ bày bán đủ các mặt hàng truyền thống, hiện đại có thể làm quà cho gia đình, bạn bè. Về đêm, xung quanh chợ nhộn nhịp hơn với những cửa hàng quần áo, quán ăn, tấp nập khách du lịch.
Chợ Bến Thành tròn 100 năm tuổi là biểu tượng văn hóa, mang dấu ấn lịch sử, tồn tại trong ký ức, tâm hồn của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) |
4. Chợ Bình Tây (Chợ Lớn)
Được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ XX theo lối kiến trúc cổ đậm phong cách Á Đông. Chợ nằm trong khu phố người Hoa, Chợ Lớn là đầu mối cung cấp hàng hóa cho nhiều tỉnh thành tại Nam Bộ và cả nước.
Hàng hóa ở đây có từ thực phẩm khô, ngũ cốc, hải sản khô đến quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em thuộc khu vực có nhiều người Hoa sinh sống nên nhiều tập tục sinh hoạt, cung cách hoạt động của Chợ Lớn cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Là chợ bán sỉ, hàng hóa ở chợ này rất rẻ nếu mua với số lượng lớn. Nhiều cửa hàng ở chợ Bình Tây niêm yết giá hoặc nói thách không nhiều.
5. Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên
Là khu liên hợp vui chơi giải trí nằm ở cửa ngõ Ðông Bắc Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 19km, Suối Tiên thu hút rất đông khách du lịch khi đến thành phố Hồ Chí Minh.
Kiểu cách kiến trúc và các thể loại vui chơi ở Suối Tiên được lồng vào các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như Lạc Long Quân-Âu Cơ, Vua Hùng, sự tích trăm trứng, Sơn Tinh-Thủy Tinh, sự tích bánh chưng bánh dày, sự tích quả dưa hấu, chín tầng địa ngục, tứ linh hội tụ Long-Lân-Quy-Phụng, công viên giải trí dưới nước, biển nhân tạo Tiên Đồng…
Lễ hội tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN) |
6. Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng năm 1929, tiền thân là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Đến thăm quan tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về hàng chục ngàn hiện vật có giá trị.
Ngoài ra, bảo tàng còn có trên 25.000 sách báo và tài liệu quý cho việc nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học, sử học, bảo tàng học…
7. Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Mở cửa từ năm 1975 với tên gọi ban đầu “Nhà trưng bày tội ác Mỹ-ngụy,” đây là không gian chân thực nhất về thời kỳ chiến tranh ác liệt mà dân tộc Việt Nam đã trải qua. Các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn “chuồng cọp” được xây dựng theo kích thước ở nhà tù Côn Đảo.
Ngoài ra, còn có phòng trưng bày về chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa, âm mưu của các thế lực thù địch…
Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. (Nguồn: TTXVN) |
8. Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc, là hệ thống phòng thủ trong lòng đất của quân và dân Củ Chi trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ.
Địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất với tổng chiều dài 250 km.
Năm 2015, Khu Di tích lịch sử này đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Trong 20 năm hoạt động, khu di tích đón hơn 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.
Đầu năm 2016, khu di tích đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Tổng thống nước Cộng hòa Argentina Cristina Fernandez Kirchner tham qua khu di tích địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) |
9. Du thuyền dọc sông Sài Gòn
Đường Tôn Đức Thắng là khu vực sầm uất và sôi động nhất ven sông Sài Gòn. Con đường này có những khách sạn và nhà hàng cao cấp, từ đó bạn có thể ngắm cảnh sông Sài Gòn thi vị vào các buổi chiều, hay thử cảm giác ăn tối tại các nhà hàng nổi trên sông.
Dòng chảy quanh co uốn lượn của sông Sài Gòn qua địa bàn thành phố dài tới 37 km thực sự là không gian cảnh quan đẹp thơ mộng. Thử lên một chuyến tàu du ngoạn sông Sài Gòn để khám phá những nét rất riêng của thành phố mang tên Bác trên sông với cảnh đẹp dân dã, man mác của sông nước giữa chốn đô thị náo nhiệt.
Các hình thức tham quan gồm có: du ngoạn trên thuyền dọc sông đến Nhà Bè, Cần Giờ; Ca nô đi Lái Thiêu; ngắm cảnh kèm ăn tối trên tàu nhà hàng. Tùy chất lượng dịch vụ, chi phí cho một chuyến du ngoạn dọc sông Sài Gòn giá từ 80.000 đồng/người trở lên.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bên sông Sài Gòn. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) |
10. Cần Giờ
Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km, Cần Giờ vừa có rừng, vừa có biển nên sẵn hải sản tươi sống. Ngoài ra, cũng có nhiều điểm thăm quan khá hấp dẫn như rừng ngập mặn Vàm Sát, đảo Khỉ, khu du lịch và bãi biển 30 Tháng 4, Lăng ông Thủy Tướng Nam Hải…
Hàng năm vào ngày 16-8 Âm lịch lễ hội Nghinh Ông tổ chức rất trọng thể tại đây với hàng trăm ghe tàu tham dự.
Theo TTXVN