(GLO)- Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai vừa tổ chức tổng kết, triển lãm và trao giải 2 cuộc thi “Sản phẩm truyền thông công tác Hội” và “Mẹ và con gái” nhân Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10). Hai cuộc thi đều hướng đến mục đích truyền đi thông điệp, chủ đề năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”.
Ở cuộc thi vẽ với chủ đề “Mẹ và con gái”, Ban tổ chức đã nhận được 2.227 bức tranh tham gia. Trong khi đó, cuộc thi “Sản phẩm truyền thông công tác Hội” có 424 sản phẩm ở 3 thể loại (bài viết tuyên truyền, tranh cổ động, phóng sự truyền hình) tham gia.
Bình yên bên mẹ
Tình mẫu tử là chủ đề quen thuộc nhưng vẫn luôn gợi cảm hứng sáng tạo cho những người vẽ tranh. Chính vì vậy, cuộc thi vẽ “Mẹ và con gái” đã thành công ngoài mong đợi vì đánh thức thứ tình cảm chỉ có một và duy nhất trên đời. Cuộc thi được tổng kết, trao giải nhân Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam để tôn vinh những người mẹ, những người phụ nữ luôn mang lại hơi ấm cho gia đình, cho cuộc sống. Đồng thời, cuộc thi cũng truyền đi thông điệp hãy chăm sóc, thương yêu, bảo vệ những người phụ nữ xung quanh ta.
Trao giải nhất “Sản phẩm truyền thông công tác Hội” cho các tác giả. Ảnh: N.B |
Phát động từ tháng 3-2019, cuộc thi đã nhận được hàng ngàn tác phẩm tham gia. Đó cũng là hàng ngàn ý tưởng và những tình cảm khác nhau dành cho người phụ nữ thông qua sự biểu hiện của đường nét, hình khối, màu sắc. Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-đánh giá: “Hầu hết các tác phẩm đều thể hiện tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho con và ngược lại, diễn tả nhiều nội dung về bảo vệ, xây dựng hạnh phúc, phòng-chống bạo lực gia đình, phòng-chống xâm hại tình dục trẻ em gái, bình đẳng giới trong các lĩnh vực, chăm sóc phụ nữ và trẻ em... Nhiều bức tranh không chỉ thể hiện chính xác chủ đề mà còn sáng tạo khi lựa chọn hình thức thể hiện, thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc rất riêng của mảnh đất Tây Nguyên như tác phẩm “Mẹ và con gái” của Thân Thị Huyền Trang, “Em theo mẹ lên rẫy” của Đinh Thị Hoài Ly...”.
Vượt qua hàng ngàn tác giả, cô giáo Thân Thị Huyền Trang-Trường Tiểu học Trần Quý Cáp (xã An Phú, TP. Pleiku) đã giành giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Mẹ và con gái”. Bức tranh tràn đầy cảm xúc hạnh phúc được vẽ trên lụa với sắc nâu vàng trầm ấm chủ đạo, thể hiện tình cảm ấm áp, bao dung của người mẹ dành cho con gái. Ở đó, người mẹ nắm tay con đi trên nền đất đỏ bazan với sắc vàng bao la của hoa dã quỳ đua nở. Trên môi mẹ, nụ cười đầy bao dung, chở che, sẵn sàng dìu dắt con qua năm tháng cuộc đời. Con gái bé bỏng cũng nở nụ cười tươi trong sáng, mãn nguyện khi đi dưới bóng mát tình mẹ. Chia sẻ về tác phẩm, chị Trang xúc động: “Ngay khi biết chủ đề cuộc thi, tôi đã thấy tràn đầy cảm hứng. Tôi muốn qua cuộc thi bày tỏ tình cảm với con, bởi tôi cũng là một người mẹ có con gái. Tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp về tình mẫu tử dịu dàng, thiêng liêng vô cùng. Nếu cha và con gái có đủ trò nghịch ngợm vui vẻ bao nhiêu thì tình cảm của mẹ dành cho con gái nhỏ lại âm thầm, lặng lẽ và giản dị bấy nhiêu. Giản dị nhưng cũng chứa sức mạnh to lớn, vực dậy con người trong những lúc khó khăn của cuộc đời. Tôi rất hạnh phúc khi tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi và nhận được sự đồng cảm của người xem tại triển lãm”.
Truyền thông tốt để bảo vệ phụ nữ, trẻ em
Ban tổ chức đã trao 3 giải nhất sản phẩm truyền thông cho các tác giả thuộc 3 thể loại: Nguyễn Hữu Hiếu (Công an tỉnh), Tống Thị Thanh Hòa (Chủ tịch Hội LHPN xã A Dơk, huyện Đak Đoa), Nguyễn Hữu Hòa Giang (đại diện nhóm tác giả Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh); đồng thời trao 3 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải phụ cho sản phẩm truyền thông khác. Ở cuộc thi vẽ tranh, Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích, 2 giải thí sinh nhỏ tuổi nhất và lớn tuổi nhất, 2 giải triển vọng do Ban giám khảo tài trợ. Được biết, các tác phẩm tranh và sản phẩm truyền thông đạt giải sẽ được sử dụng phục vụ nhiệm vụ truyền thông của Hội LHPN trong thời gian tới. |
Cùng với cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi “Sản phẩm truyền thông công tác Hội” là hình thức sáng tạo để truyền đi thông điệp “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”. Các sản phẩm tham gia cuộc thi được thể hiện đa dạng với các thể loại như tranh, phóng sự, bài viết tuyên truyền. Nhiều sản phẩm được đầu tư kỹ càng về nội dung, hình thức. Chị Nguyễn Hữu Hòa Giang-đại diện nhóm tác giả của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh có sản phẩm tham gia cuộc thi-bày tỏ quan điểm: “Để những thông điệp, mục tiêu chủ đề năm thành hiện thực, chúng ta phải có những cách thức truyền thông làm sao cho cả xã hội chung tay cùng thực hiện chủ đề đó hiệu quả. Việc tạo ra các sản phẩm truyền thông như hình vẽ, clip… là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền. Chính vì vậy, khi tham gia cuộc thi, tôi cũng ý thức làm sao chuyển tải những vấn đề nóng, thực trạng bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em để mọi người thấy được cái sai, cái không hay, từ đó thay đổi hành vi, hành động lại cho đúng”.
Với sản phẩm truyền hình “Con có mẹ rồi”, nhóm tác giả của Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai kêu gọi xã hội chung tay đẩy lùi hủ tục chôn sống con theo mẹ. Chị Hòa Giang chia sẻ: “Gia Lai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần một nửa dân số. Dù cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến nhưng hủ tục vẫn còn tồn tại ở đâu đó. Phóng sự của chúng tôi đề cập đến câu chuyện với những nhân vật có thật. Một người phụ nữ 29 tuổi, chưa một lần lập gia đình nhưng nhận nuôi 2 đứa trẻ suýt bị chôn sống theo mẹ và yêu thương, chăm sóc chúng rất chu đáo. Tình cảm đó làm cho nhóm phóng viên chúng tôi rất cảm động. Xuất phát từ tình cảm đó, chúng tôi đã làm những thước phim chân thực nhất về tình mẫu tử. Những hình ảnh chân thực của người trong cuộc làm cho câu chuyện lay động sâu sắc tình cảm của đông đảo khán giả”.
NGUYÊN BÌNH