Người Việt ngày càng khấm khá hơn. Có thêm nhiều căn hộ, xe máy, ôtô, đi du lịch..., mới nhất là hằng năm người Việt đã chi hàng ngàn tỉ đồng để xem truyền hình trực tuyến từ nước ngoài.
Tiếc rằng, Nhà nước chưa thu được thuế từ doanh thu ngàn tỉ này. Nếu tính theo thuế suất của dịch vụ truyền hình trong nước là 10%, số thất thu cũng cả trăm tỉ.
Thất thu là vậy, trong mùa dịch COVID-19, thuế thu nhập cá nhân do người Việt nộp cũng không còn tăng ấn tượng như các năm trước. Tại TP.HCM, 10 tháng đầu năm mùa COVID-19, người khai thuế đã nộp gần 35.500 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân. Còn số của 9 tháng đầu năm trong cả nước là hơn 90.000 tỉ đồng. Tính chung, mức tăng chỉ 5%, thấp so với các năm trước.
Nhưng số thống kê chưa nói lên tất cả. Đằng sau đó ẩn chứa khó khăn mà người chịu thuế đang gánh. Như tại TP.HCM, ra chợ Bến Thành, đến các con đường từng tấp nập phục vụ khách du lịch nước ngoài, điểm bán vé máy bay, tour... nay đìu hiu sẽ hiểu được khó khăn của người dân.
Thuế nộp có tăng chút ít không hẳn do thu nhập của dân mùa COVID-19 vẫn tăng, có nguyên nhân do thị trường chứng khoán bùng nổ, nên nộp thuế nhiều. Đa phần người đầu tư chứng khoán không quyết toán thuế theo lời lỗ mà chọn nộp một lần 0,1% trên giá bán, bất kể lời hay lỗ, cho xong.
Thuế thu nhập gắn chặt túi tiền mọi người. Vì vậy không ít người than chẳng được lợi gì dù từ 1-7 giảm trừ gia cảnh tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng. Thời điểm này COVID-19 đã hoành hành, thu nhập giảm sút, lắm khi không còn thu nhập để chịu thuế. Vì thế, cơ quan thuế ra sức rà soát, tìm cho được nguồn thu cho ngân sách nhà nước như lật lại hồ sơ nhiều năm trước, gom lại, truy thu và phạt 0,03%/ngày...
COVID-19 vẫn đe dọa, tuy chưa đến mức "tiền châu tiền quế" nhưng cả người dân và Chính phủ đều vất vả xoay tiền để chi xài. Vì thế thật bất công khi 7 triệu người Việt vẫn cần mẫn đóng thuế trong khi nhiều ông lớn công nghệ nước ngoài cứ nhởn nhơ né thuế. Có thể trách cơ quan chức năng không bao quát hết luật để họ né thuế.
Nhưng cũng phải nói thẳng, các công ty này đã tìm đủ cách để không nộp thuế. Như trước đây, từng có hãng taxi công nghệ từ chối "thân phận" taxi, chỉ nhận là nhà cung cấp giải pháp công nghệ gọi xe để né bớt thuế.
Hoặc cho đến nay, do không chấp hành luật Việt Nam, không ít công ty công nghệ ở nước ngoài đã tiếp tay cho nhiều người ở trong nước không tự giác nộp thuế như hàng triệu người làm công ăn lương khác. Cơ quan thuế vẫn phải đi truy, tìm để thu thuế...
Nhờ công nghệ doanh nghiệp có thể bán hàng, dịch vụ xuyên biên giới. Hàng loạt nguyên tắc truyền thống, luật lệ đã bị "lật đổ" giúp thay đổi cuộc sống con người. Nhưng thế giới dù có phẳng đến mấy, có những nguyên tắc mà con người định ra bao đời nay khó bị xô đổ, trong đó có thuế. Tại Việt Nam, đó là phát sinh doanh thu ở đâu phải nộp thuế nơi đó.
Hiểu đơn giản, doanh nghiệp ở đâu đó trên thế giới nhưng bán hàng ở Việt Nam, vẫn phải nộp thuế theo pháp luật Việt Nam. Có thể lúc này, người tiêu dùng Việt chưa quay lưng hay trừng phạt những doanh nghiệp trốn tránh thuế, nhưng một ngày nào đó, họ sẽ có thói quen này và hỏi: "Tôi đang nộp thuế, còn bạn?".
Cần lưu ý rằng né thuế, trốn thuế là một vết nhơ, khó lòng gột rửa, bất kể thời gian.
Theo THANH TUYỀN (TTO)