"Toán siêu tốc": Không nên ngộ nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết quả của một dãy dài vài chục phép tính được nhiều học sinh mầm non, tiểu học đọc ra ngay lập tức khi câu hỏi vừa kết thúc là hiện tượng khiến nhiều người kinh ngạc. Các lớp dạy phương pháp tính nhẩm này xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay với tên gọi “Toán siêu tốc” và mới có mặt tại Gia Lai từ tháng 8-2019. Tuy nhiên, xung quanh phương pháp này vẫn có một số ngộ nhận cần làm rõ.
Thêm một cách rèn luyện kỹ năng       
Chị Trần Thị Thanh Hiếu (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi đã tìm hiểu về phương pháp tính nhẩm soroban (Nhật Bản) từ khi xem những video các bạn nhỏ tính nhẩm siêu nhanh và cho ra đáp án ngay khi người ra đề đọc phép tính cuối. Tò mò về những “thần đồng”, tôi đã tìm hiểu kỹ càng về phương pháp này. Có thể nói đây là một trong những cách thức hiệu quả để rèn luyện sự phát triển của cả 2 bán cầu não của con người vì phương pháp gồm 2 phần: tưởng tượng hình ảnh bàn tính và thực hiện các phép tính. Tôi rất hài lòng khi Gia Lai có thêm kênh học tập mới lạ để phụ huynh lựa chọn cho các con”. Sau gần 3 khóa (mỗi khóa 3 tháng) đăng ký cho 2 cô con gái theo học “Toán siêu tốc” tại Trung tâm Smart Kids Gia Lai (thuộc Công ty TNHH một thành viên Giáo dục Smart Kids Gia Lai, 81 Phù Đổng, TP. Pleiku), chị Hiếu khá hài lòng khi thấy con hứng thú. Em Nguyễn Trần Thảo Nhi-con gái lớn của chị Hiếu-chia sẻ: “Lần đầu tiên nhìn thấy bàn tính gẩy soroban, em đã rất tò mò và ham thích. Sau thời gian chăm chỉ rèn luyện, đến nay, em có thể đọc ngay đáp số của trên 10 phép tính ở hàng chục”.
Học sinh thực hành tính nhẩm tại Trung tâm Smart Kids Gia Lai. Ảnh: N.G
Học sinh thực hành tính nhẩm tại Trung tâm Smart Kids Gia Lai. Ảnh: N.G
Tương tự, chị Phạm Thị Sang (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cũng cho con tham gia lớp “Toán siêu tốc” của Công ty TNHH một thành viên Giáo dục Smart Kids Gia Lai đã vài khóa. Chị bày tỏ: “Tôi có nhiều cháu ruột đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cũng theo học phương pháp này. Tôi luôn thắc mắc vì sao chúng lại có thể tính toán siêu nhanh như thế. Cuối năm 2019, tại An Khê có mở lớp này nên tôi đã cho các con đi học như một cách rèn luyện thêm kỹ năng. Ở đây, các con vừa được học vừa chơi thông qua các phương pháp toán học nên tôi thấy rất bổ ích. Tôi đang mong chờ một thời gian nữa, các con cũng có thể tính toán siêu tốc như các anh chị em họ của chúng”.
“Phép tính, không phải phép màu”
Theo tìm hiểu của P.V, “Toán siêu tốc” được coi là một trong những cách thức hiệu quả giúp rèn luyện các kỹ năng như: ghi nhớ, tập trung, phản xạ nhanh... được áp dụng cho trẻ 4-16 tuổi. Đặc biệt, phương pháp này được các nhà khoa học công nhận là cách rèn luyện hữu hiệu giúp bán cầu não trái và phải phát triển cân bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, “Toán siêu tốc” không phải là phép màu để biến một học sinh từ bình thường trở thành “thần đồng” siêu tính toán trong thời gian ngắn như một vài phụ huynh ngộ nhận.
Trao đổi cùng chúng tôi, chị Lê Thị Lý-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giáo dục Smart Kids Gia Lai-chia sẻ: Nhiều phụ huynh chỉ cho con tham gia học vài tháng rồi nghỉ ngang vì các con không đạt được kỳ vọng trở thành “thần đồng” như bố mẹ mong đợi. Điều này vô tình gây áp lực không đáng có cho trẻ. “Bí quyết thành công của chương trình nằm ở chỗ chăm chỉ luyện tập. Với việc dành ra 15 phút luyện tập bàn tính mỗi ngày, bộ não trẻ được luyện tập, tưởng tượng tốt về bàn tính ảo... Luyện tập đều đặn cũng như việc tập thể dục, giúp trẻ có bộ não khỏe, học tập tốt hơn”-chị Lý cho hay. 
Trẻ luyện tập tính toán bằng bàn tính cổ soroban tại Smart Kids Gia Lai. Ảnh: N.G
Trẻ luyện tập tính toán bằng bàn tính cổ soroban tại Smart Kids Gia Lai. Ảnh: N.G
Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giáo dục Smart Kids Gia Lai, những em được cho là “thần đồng” siêu tính toán mà chúng ta thường thấy trong các cuộc thi siêu trí tuệ đã có quá trình rèn luyện kéo dài 5-10 năm tùy vào đam mê và khả năng của mỗi em. Cần khẳng định rằng, phương pháp rèn luyện này không thể mang lại kết quả trong thời gian ngắn. Do đó, phụ huynh không nên chỉ trông đợi vào kết quả mà hãy ghi nhận những điều tích cực mà các con đạt được trong quá trình học hỏi. 
Từng tìm hiểu khá kỹ về phương pháp tính nhẩm bằng bàn tính soroban, Thạc sĩ Toán học Đàm Văn Ngọc-Hiệu trưởng Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai-nhận định: “Tôi không phủ nhận những hiệu quả trong việc rèn luyện một số kỹ năng cho học sinh thông qua phương pháp tính nhanh. Tuy nhiên, phương pháp tính này mang tính chất biểu diễn nhiều hơn là hướng tới việc tư duy sâu trong toán học. Phụ huynh không nên áp đặt và càng không cần kỳ vọng con em sẽ phải trở thành “thần đồng”. Chúng ta chỉ nên lựa chọn nó như một cách học, cách trải nghiệm mới mẻ giúp rèn luyện một số kỹ năng cho trẻ nếu các con thật sự yêu thích”.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.