(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) đã triển khai nhiều mô hình giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên phát triển kinh tế và chung sức xây dựng, giữ gìn phên giậu biên cương.
Giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là thay đổi thói quen canh tác phát, đốt, trọc, chỉa, “phó mặc” hoàn toàn cho thiên nhiên... vốn là việc không hề dễ dàng với những người lính “quân hàm xanh”. Song bằng tinh thần và trách nhiệm, những người lính đã không quản ngại đêm-ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, không phát rừng làm nương rẫy…
Bộ đội Biên phòng Ia Pnôn thăm hỏi những cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: P.D |
Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai mô hình trình diễn lúa nước tại cánh đồng Ia Sấp nhằm giúp người dân thay đổi thói quen trồng lúa rẫy và trồng lúa không theo thời vụ. Theo Thượng úy Vũ Đình Truyền-Đội trưởng Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Pnôn, sở dĩ đơn vị chọn cánh đồng Ia Sấp để làm điểm vì đây là cánh đồng chung của người dân 3 làng: Ba, Trêl, Bua.
Với hơn 3 sào đất ruộng của gia đình ông Rơmah Ang (làng Bua), đơn vị chọn cử những người có kiến thức về trồng trọt trực tiếp xuống làm đất, mua giống lúa, gieo trồng, bón phân, chăm sóc… Thời gian đầu, theo dõi cán bộ biên phòng trồng lúa nước, nhiều hộ dân trong làng đều “bán tín bán nghi”. Mãi đến khi năng suất thóc cuối vụ đạt trên 3 tạ/3 sào, bà con mới thật sự tin rằng, làm theo bộ đội biên phòng sẽ không sợ đói giáp hạt. Và, người đầu tiên làm theo cũng chính là ông Rơmah Ang. Với gần 1 ha diện tích tại cánh đồng Ia Sấp, ông nhờ cán bộ biên phòng hướng dẫn để trồng lúa nước, riêng diện tích đất vườn lâu nay bỏ trống, ông chuyển sang trồng điều, cà phê và nuôi thêm bò để tăng thu nhập. Thượng úy Vũ Đình Truyền cho biết, vài năm trở lại đây, bà con đều biết cách làm lúa nước nên cán bộ biên phòng chỉ hướng dẫn thêm về kỹ thuật, tham gia ngày công giúp gặt lúa, nạo vét kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng…
Bên cạnh đó, đơn vị hướng dẫn người dân trồng măng tre Điền Trúc trên những diện tích đất đồi dốc và tận dụng các bể xi măng để nuôi cá cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cũng theo Thượng úy Vũ Đình Truyền, nhiều hộ dân trong các làng là công nhân khai thác mủ cao su, nên đều xây các bể để ngâm chén đựng mủ; nhưng đến khi cây cao su bước vào mùa khai thác mới thì hầu hết các bể ngâm này đều bỏ trống. Để tránh lãng phí, đơn vị đã hướng dẫn một số hộ cải tạo lại bể rồi trực tiếp mua cá trê giống hỗ trợ các hộ nuôi… Mặt khác, đơn vị còn nhận giúp đỡ 3 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, gồm: Rơ Châm Cháu (làng Bua), Ksor Úc (làng Ba) và Rơ Châm Phyin (làng Đo Nhỏ, xã Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ đóng góp và trích hỗ trợ 500 ngàn đồng/cháu.
Ngoài giúp dân phát triển kinh tế, đơn vị còn tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 4 tổ “Tự quản an ninh trật tự thôn, làng” và 2 tổ “Tự quản đường biên, cột mốc”. Đây được xem là “cánh tay nối dài” của biên phòng, vì thành viên trong các tổ “Tự quản an ninh trật tự thôn, làng” đều là những nhân tố tích cực, người có uy tín tại làng; còn thành viên trong tổ “Tự quản đường biên, cột mốc” đa phần là những người có nương rẫy sát đường biên…, khi có sự vụ họ sẽ nắm bắt tình hình và thông báo kịp thời cho biên phòng cũng như lực lượng chức năng để có hướng giải quyết. “Nhờ có các tổ tự quản, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, bà con cũng yên tâm lao động sản xuất”-Trưởng thôn làng Ba, ông Rơ châm Blê cho hay.
Những việc làm thiết thực của những người lính biên phòng thêm một lần khẳng định về tình đoàn kết quân-dân nơi biên giới Ia Pnôn.
Anh Huy