Tình hình buôn người ở Việt Nam có "nghiêm trọng" như đánh giá của Mỹ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề cần phải dựa trên những thông tin xác thực, có kiểm chứng, không tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên thế giới (TIP) năm 2018, xếp Việt Nam ở nhóm 2 cần được theo dõi, trong đó quy kết “bất kể mọi cố gắng, vấn đề buôn người vẫn tồn tại và có phần nặng nề hơn trong 2 năm trở lại đây”. 
 
Trao trả những phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc trong 1 vụ án buôn người năm 2018. Ảnh: CHINA DAILY
Những cáo buộc thiếu căn cứ
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng, “Việt Nam không nghiêm túc trong vấn đề điều tra, xử phạt theo luật pháp những hành vi lạm dụng xuất khẩu lao động, đưa hàng loạt người ra nước ngoài mà không đảm bảo an toàn đời sống cũng như công việc cho họ”.
Hay: “Chính phủ Việt Nam xác định số lượng nạn nhân ít hơn đáng kể so với năm 2016 và nhà chức trách không tiếp tục giải quyết các vụ án hình sự  đang trong quá trình giải quyết do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các quy định sửa đổi của Bộ luật hình sự”.
Báo cáo nhận định, các nỗ lực chống nạn buôn người vẫn chưa hiệu quả do thiếu cơ chế phối hợp liên ngành và có hiện tượng “cán bộ cấp xã, thôn đồng lõa trong các vụ phạm tội buôn người”.
Có thể thấy, từ năm 2012, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào nhóm 2 với những nhìn nhận, đánh giá sai lệch, gây những hiểu lầm và tạo cớ để các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc về tình hình Việt Nam. 
 
Tình trạng buôn người xảy ra tại khu vực châu Phi (Ảnh: Reuter) 
Theo báo cáo thống kê của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC), một số khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á là nơi xảy ra nạn buôn người nhiều hơn và thời gian gần đây, nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung Mỹ qua Mexico vào Mỹ, nghĩa là chính Mỹ cũng là nước chịu tác động mạnh từ hệ quả mua bán nười, di cư bất hợp pháp. Ở khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (từ ngày 24 - 27/9/2018) và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 12 (từ ngày 29/10 - 02/11/2018) về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, không thể cáo buộc Việt Nam trong vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp như nạn buôn người. 
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định, năm 2018 tại Việt Nam xảy ra 350 vụ buôn người, bắt hơn 400 đối tượng bị cáo buộc là buôn bán người. Con số này không những giảm mà còn tăng so với năm 2016 (xảy ra 234 vụ và 308 người bị cáo buộc). Tuy nhiên, trên thực tế, số liệu của các cơ quan chức năng Việt Nam lại hoàn toàn khác.  
Năm 2018, lực lượng chức năng Việt Nam đã phát hiện 211 vụ với 276 đối tượng, lừa bán 386 nạn nhân, so với năm 2017 giảm gần 44% số vụ và hơn 43% số đối tượng. Cũng trong năm 2018, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó xác định 490 trường hợp nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an phát hiện 89 vụ, 142 đối tượng lừa bán 169 nạn nhân, so với cùng kỳ năm trước giảm cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân. 
Không ngừng hoàn thiện pháp luật để đấu tranh với tội buôn người
Thực tế, việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân.
 
Một vụ buôn trẻ sơ sinh qua biên giới Trung Quốc vừa bị bắt giữ tại Móng Cái- Quảng Ninh
Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo cơ sở cho phòng, chống nạn buôn người như: Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ; Chương trình hành động phòng chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; Mới đây, ngày 11/02/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về “Tội mua bán người”...
Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, phát huy vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.
Tất nhiên, Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại tội phạm mua bán người chưa theo kịp được yêu cầu,... Nhưng những nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận và càng không thể quy chụp Việt Nam “lơ là” trong việc xử lý vấn nạn buôn người. Việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề cần phải dựa trên những thông tin xác thực, có kiểm chứng để đưa ra những đánh giá khách quan, thận trọng, không tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước./
Quốc Phong (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm