(GLO)- Nghe tin làng Sô Ma Biơng (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, Gia Lai) nay đã có đèn đường chiếu sáng, lại sắp mở rộng 2 nhánh đường làng kết hợp bê tông hóa, người xa quê như tôi nghe mà mừng khôn xiết. Đây là điều trước đây tưởng chừng khó thực hiện được bởi phần đông dân làng chưa thuận lòng ủng hộ.
Làng Sô Ma Biơng tuy nằm ngay bên quốc lộ 25 song lại ít người biết đến. Trước đây, khi chưa chia tách huyện, làng thuộc xã Ia Hiao (huyện Ayun Pa cũ), nhiều người cũng hay nhầm lẫn Sô Ma Biơng với mấy tên làng bên cạnh như Sô Ma Lơng, Sô Ma Rơng... Có lẽ cũng bởi làng tôi nhỏ bé đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với chỉ 118 hộ dân, 525 khẩu. Người khai tên, lập làng nay cũng đã ngoài 70 tuổi, đồng thời cũng đảm nhiệm vị trí già làng hơn chục năm nay.
Đường làng Sô Ma Biơng được bê tông hóa. Ảnh: K.H |
Cùng với các hội, đoàn thể, già làng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dân làng tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế góp phần cải thiện đời sống, giảm số hộ nghèo hàng năm, đồng thời ra sức vận động bà con ủng hộ chủ trương xây dựng thôn, làng văn hóa hướng tới mục tiêu cùng với xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, trước đây, do dân làng chưa hiểu rõ mục tiêu của chủ trương này nên công tác mở rộng đường làng, bê tông hóa, làm đường điện chưa được triển khai thực hiện. Vậy mới thấm thía bí quyết trong công tác dân vận, đó là phải kiên trì thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Theo bà Ksor H'Mlang-Bí thư chi bộ làng Sô Ma Biơng: Sau nhiều lần họp bàn, cuối cùng 100% hộ dân trong làng đã thống nhất đóng góp 300 ngàn đồng/hộ để hỗ trợ lắp tuyến đường điện, đổ bê tông 2 con đường nhánh nhỏ vào làng, những hộ có đường đi qua đều đồng tình hiến thêm vài mét đất để mở rộng đường làng, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chrôh Pơnan hỗ trợ hơn 2 triệu đồng. Bên cạnh việc góp kinh phí, hiến đất mở rộng đường làng, bà con đều tham gia hỗ trợ ngày công tháo dỡ hàng rào, san đất, phát quang bụi rậm để đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Ngoài ra chi bộ, hội, đoàn thể thôn còn tập trung tuyên truyền, vận động bà con từng bước thay đổi thói quen, nền nếp sinh hoạt theo hướng giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh thông qua việc tiếp cận vốn vay làm nhà vệ sinh, khoan giếng nước và sử dụng nước sạch, di dời chuồng trại khỏi gầm nhà... Đến nay đã có trên 50% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% hộ dân xây dựng chuồng trại tách ly gầm nhà, nhiều hộ đã ý thức việc trồng rau sạch trong vườn nhà, an ninh chính trị cơ bản được giữ vững”-bà Rmah H'Luih-Trưởng thôn Sô Ma Biơng-cho biết.
Lại nhớ đến câu nói mộc mạc, đong đầy tình cảm của đồng nghiệp: “Mỗi dịp về làng, xã, chỉ cần thấy đường sá đi lại thuận tiện, những ngôi nhà mới khang trang, vườn hồ tiêu, cà phê xanh tốt, dân làng được mùa, bớt khổ cũng đủ thấy ấm lòng”. Với riêng người viết bài này, với những gì “mắt thấy, tai nghe” từ làng-nơi ta sinh ra và lớn lên-ngày càng đổi thay, dần tiến bộ về mọi mặt, lòng lại dâng lên niềm vui xen lẫn tự hào bởi sự đổi thay ấy xuất phát từ sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết của dân làng hướng đến mục tiêu chung: xây dựng làng đạt chuẩn văn hóa.
KSOR H'YUÊN