Tìm sang cả ngay trên rẫy vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách thức nào đây để tổ chức một không gian sống mang đặc trưng cao nguyên thời nay, có “chất lượng sống” cao, tiên tiến, hợp với cái “gen” của núi đồi xứ sở, nhất là cho nông dân nơi rẫy vườn? Đó vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, lơ lửng lâu nay ở Tây Nguyên. Trên hành trình tìm kiếm, một ngày tôi bỗng phát hiện được một mô hình có thể tham khảo, suy ngẫm…

Tạo ra một không gian sống hợp với túi tiền hữu hạn cũng như hợp với tâm hồn mình thì ai mà chẳng ao ước. Đây, giữa xứ trà Blao mênh mông, căn nhà này dạt ra bên lề TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), nghĩa là lọt ra khỏi tính “phố” nên chỉ thẳng nó là “nhà quê”, mà gọi là “nhà vườn” lại càng đúng. Đứng trên những dải đồi cao xung quanh nhìn xuống, thấy nó được trùm xuống bởi một màu xanh ê hề cây cỏ.

 

Hồ nước êm ả trong sớm mai của khu rẫy vườn. Ảnh: N.H.T
Hồ nước êm ả trong sớm mai của khu rẫy vườn. Ảnh: N.H.T

Diệp lục từ những vườn trà ven các đồi bao quanh ấp ủ nó. Nó ấm trong cái sắc xanh tần tảo mà lương nông trồng ra. Cây cỏ ở đây trồi lên từ vỉa mạch bauxite, toàn quặng và đất bauxite-thứ đất khó canh tác và nghèo dưỡng chất, bước đi trên mặt mà như đi trên chông, lởm chởm sỏi quặng. Chân lữ khách còn đau huống chi cây trồng. Nó cũng cố mượt lên trong những mép đồi cỏ dại đây đó nữa mà bà con chưa canh tác hết. Nó nằm dưới thung lũng rộng 4 ha. Nó bé bỏng làm sao.

Giữa một phối cảnh trời ban như thế, căn nhà trở thành “chấm” kiến trúc le lói giữa muôn xanh. Đã thế, nhà lại sơn màu tím, thế có “chết người” không chứ. Ánh mắt nào mà không thèm thuồng để được vào đó ở, cho dù một ngày. Nhưng phải nói ngay, rằng nó là nhà ở, nhà của người ta, chứ không phải “nhà nghỉ” (!) Cả không gian lẫn căn nhà rất ơ hờ, tự nhiên. Nhưng nhiều người ở Bảo Lộc thường không dám bước vào không gian này, vì chỗ của nó quá hẻo, thơ dại, thơ dại đến “là lạ”. Mà cũng có thể vì người Blao vốn ý tứ, tôn trọng cõi riêng của người khác như coi trọng chỗ ở của mình. Xứ nông quê, người ta tranh thủ từng thẻo đất để cắm cho được cây trà, cây sầu riêng, cây cà phê kiếm nguồn thu thì ở căn nhà này người ta dành những chỗ đẹp nhất của nó để trồng hoa, tạo cảnh viên, mở những lối đi lại thưởng ngoạn.

Con suối kia chảy qua 2 vực thung lũng được khoét rộng ra để tạo một lúc 2 bậc hồ nước lớn (thượng, hạ) nhằm tạo sinh thái, thả cá, và cất những căn nhà nổi. Cỏ hoa vòng quanh bờ hồ, nhiều khi như cố tình “bỏ bê” cho liếm ra mặt nước. Cá thì luôn đầy trong 2 cái hồ mà nước là nguồn tự nhiên. Dĩ nhiên, những chiếc ghế ngồi, bàn để bình trà Ô Long luôn có mặt trong những căn nhà nổi kia. Ngồi đây mà ôm cây đờn bất kỳ thì âm nhạc cũng bò liêu phiêu lên những sườn đồi trà và không nốt nhạc nào thoát ra khỏi thung lũng được. Còn đọc sách thì ắt người ngồi đấy sẽ mang sắc thái của thiền sư tịnh độ. Còn tỏ tình với người yêu thì cho dù mai này có chia xa vẫn khó mà quên kỷ niệm lúc ngồi bên nhau ở đây. Không gian sống mà thanh khiết đến thế này thì không còn phân biệt được nữa giữa nhà dân hay nơi cư sĩ tu hành. Gia chủ không phải một nhà tu nhưng cảm hứng dựng một tượng Phật bà Quán Thế Âm bên kia thung lũng trên mép một sườn đồi đối diện nhìn ngược về phía chỗ có căn nhà chính.

Tôi ám ảnh với những cây hoa thân mộc vào mùa rụng lá ở thung lũng này. Vì nó như những cây san hô khổng lồ dựng trên mặt đất. Rất nhiều “san hô” mảnh khảnh diễm lệ như thế. Lòng người rất dễ lay động khi những tia nắng đầu ngày và chiều tà hắt vào những “rặng san hô” cao mười, mười lăm thước đó trong cái phông xanh vườn tược cao nguyên.

Lấy sự khoan thai, hào sảng làm tinh thần cốt lõi nên bên trong căn nhà luôn tràn ngập ánh sáng, cho dù mùa mưa hay khô có trùm xuống thung lũng. Thế mới biết vì sao mọi ngóc, góc, xó ở nội thất từ thiết kế đến bài trí đều đạt đến sự tinh tế, sang cả, hòa nhập và “xứng đáng” với không gian bên ngoài.

Gia chủ là một người đàn bà bình thường, trải đời, ngoài sáu mươi, từng bảy nổi ba chìm bởi thế sự và lê lết mưu sinh đủ kiểu ở phố phường Sài Gòn đô hội. Blao là cao nguyên quê nhà của bà ta và bà đã quay trở về với nó khi tuổi đời ngả bóng, rồi tìm đến thung lũng này. Bà là người bản lĩnh, vọng ngoại và có thể trong hành trình vọng ngoại đó bà đã học được cả tinh hoa bên ngoài, trong đó có nhận thức thẩm mỹ và cách tổ chức một không gian sống có tình ý. Bà hy vọng sự phúc lạc, an ấm sẽ đến với thung lũng nặng nợ yêu thương của mình. Ở phần đời nốt tận của mình, bà sống tương khớp với sự thanh khiết; sự khiêm nhường vô lượng ở thung lũng này không là sự thách thức với chính bà.

Người đàn bà chịu chơi và cái thung lũng chịu chơi, thuộc khu 6, phường 2 của thành phố trên. Cái không gian sống được tạo dựng suốt 20 năm qua, từ lúc thung lũng này còn heo hút; từng bước, từng nấc, từ dành dụm của gia chủ cùng sự chia sớt của người bà yêu.

Khi con người thèm khát cái đẹp thì đến quặng bauxite cũng mềm lòng và cây cối, kiến trúc cũng long lanh.

Krajan Bri

Có thể bạn quan tâm