Mở ngay hội nghị gỡ khó xuất khẩu sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngay hội nghị bàn giải pháp gỡ khó xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk, dự kiến từ ngày 23 - 24.5.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, mới đây có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng khi mùa vụ thu hoạch đang đến gần.

Ông Vũ Đức Côn cho rằng, số lượng mã số bị thu hồi tập trung chính tại Tiền Giang, chủ yếu mẫu đất phát hiện cadimi với nồng độ vượt ngưỡng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Đối với vùng trồng vi phạm, có nguy cơ cao, đã có kết luận điều tra nguyên nhân của Cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt, ông Côn kiến nghị "cần khoanh vùng báo động đỏ" để có giải pháp cải tạo, không để ảnh hưởng tới ngành hàng nói chung, đặc biệt là những vùng trồng sầu riêng có diện tích lớn như Tây nguyên.

Sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Lãnh đạo Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các nhà khoa học cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, đưa khoa học công nghệ vào để tính toán độ tuổi đạt yêu cầu, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của từng khu vực, từng nhà vườn sầu riêng trước khi quyết định xuất khẩu.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngay hội nghị bàn giải pháp gỡ khó xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk, từ ngày 23 - 24.5.

Tại hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đánh giá tình hình tiêu thụ, hệ thống phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu; lắng nghe doanh nghiệp đề xuất giải pháp kiểm soát chất lượng và tổ chức xuất khẩu loại "trái cây tỉ đô" này.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn do vấn đề tồn dư hóa chất. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Thái Lan trong kiểm soát chất cấm trên sầu riêng ngay tại vùng trồng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sau khi bị Trung Quốc cảnh báo tồn dư hóa chất, ngoài số lượng phòng kiểm nghiệm do Trung Quốc công nhận, Thái Lan đã lập hơn 300 phòng kiểm nghiệm tại vùng trồng. Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp, nhà vườn có nhu cầu kiểm nghiệm rất lớn nhưng không có nhiều địa chỉ để lựa chọn.

Các vườn trồng sầu riêng nếu kiểm định độc lập, đạt chuẩn thì doanh nghiệp sẽ vào thu mua. Khi xuất khẩu, doanh nghiệp tiếp tục mang mẫu đi kiểm nghiệm lại tại các cơ sở do Trung Quốc công nhận sẽ giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

"Không có hệ thống phòng kiểm nghiệm độc lập, doanh nghiệp đang thu mua sầu riêng kiểu "bịt mắt bắt dê" và sẽ gánh thiệt hại rất lớn nếu hàng đưa lên cửa khẩu mới phát hiện tồn dư chất cấm nên nhiều doanh nghiệp không dám mạo hiểm để xuất khẩu", ông Nguyên nói.

Theo Phan Hậu (TNO)

Có thể bạn quan tâm