Tiếp tục phòng dịch linh hoạt  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch từ ngày 8-1. Như vậy, Trung Quốc sẽ không còn áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh, đồng thời người dân nước này sẽ được tự do ra nước ngoài.

Với tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, không nên quá lo lắng dịch bùng phát trở lại khi Trung Quốc mở cửa. Theo tôi, việc này không ảnh hưởng nhiều đến công tác chống dịch ở nước ta dù khả năng sẽ có nhiều ca nhiễm nhập cảnh.

Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 265,5 triệu liều vắc-xin COVID-19, phủ mũi 3 gần 80% với người trên 18 tuổi. Không chỉ tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, do từng nhiễm nên nhiều người đã có miễn dịch. Kết quả nghiên cứu cắt ngang về tình hình miễn dịch cộng đồng của người dân TP HCM với virus SARS-CoV-2 công bố cuối tháng 11-2022 cho thấy hơn 98% có kháng thể phòng ngừa COVID-19.

Việt Nam đã bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ lâu và đang kiểm soát dịch tốt. Tuy nhiên, hiện nay, dịch COVID-19 tại nhiều nước vẫn căng thẳng, nhiều biến chủng phức tạp xuất hiện. Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa công bố dỡ bỏ tình trạng y tế công cộng khẩn cấp do dịch COVID-19. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục phòng dịch linh hoạt. Ở đây không phải là việc cấm đoán mà cần đánh giá đúng nguy cơ và thực hiện đúng biện pháp dự phòng.

Ngoài việc giám sát thường xuyên để đánh giá có biến chủng mới hay không, cần theo dõi hằng ngày xem số ca nhiễm có tăng đột biến không, có khả năng làm quá tải hệ thống y tế không, nguy cơ nhập viện có nhiều không, ca tử vong có cao hơn không... Cùng với đó, cần theo dõi hệ thống điều trị, nếu quá tải thì phải chuyển đổi biện pháp ngay.

Việc đánh giá tình hình dịch cần dựa vào tỉ lệ ca mắc mới hằng ngày, tỉ lệ bệnh nhân tăng nặng và tử vong, sự xuất hiện biến thể mới. Các chỉ số này cần được theo dõi sát để cân nhắc kích hoạt lại hệ thống chống dịch. Việc quan trọng nhất lúc này là đánh giá nguy cơ dịch bệnh cho đúng. Nguy cơ đến đâu thì đánh giá đến đó, tránh việc đánh giá nguy cơ không đúng sẽ không kiểm soát được dịch bệnh; còn nếu đánh giá nguy cơ cao quá thì biện pháp phòng dịch sẽ thái quá, cái gì cũng cấm sẽ ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội.

Để hạn chế nguy cơ dịch bùng phát và gia tăng tình trạng bệnh nặng, người dân cần chú ý các biện pháp dự phòng lâu nay như: Mang khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc người có biểu hiện nghi ngờ... Đến thời điểm này, tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch. Ngành y tế cần chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Dù dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát hiệu quả nhưng Tết Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đang đến gần, nhu cầu đi lại, tập trung đông người tăng cao, vì thế mỗi cá nhân cần có ý thức phòng dịch để hạn chế lây lan. Điều quan trọng là người dân, nhất là người đi qua cửa khẩu và doanh nghiệp có hoạt động với nước bạn tại khu vực biên giới, cần tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin, thực hiện tốt 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để phòng chống dịch.

PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU (Ngọc Dung ghi)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.