Công tác xã hội trong trái tim tôi:

Tiến sĩ trẻ đam mê công tác xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là TS Hoàng Viết Hiền, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, người lập nhóm từ thiện Thiện Tâm, trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ làm việc thiện, sống tử tế trong nhiều năm qua.

Hiện nhóm Thiện Tâm của TS Hiền đang chuẩn bị chương trình Trung thu - tổ chức cho các em nhỏ ở xã Bình Trị, H.Kiên Lương, Kiên Giang có ngày hội trăng rằm thật ý nghĩa vào ngày 15.9 tới. "Các bạn trong nhóm toàn là những bạn trẻ, yêu thiện nguyện đã hòa mình tham gia", TS Hiền nói.

TS Hiền cho biết nhóm Thiện Tâm hoạt động từ năm 2015, có lúc tạm dừng vì lý do khách quan như dịch bệnh, thiếu nhân sự. Những lúc như vậy, TS Hiền vẫn tiếp tục duy trì công việc từ thiện bằng cách mỗi tháng trích một khoản trong thu nhập ít ỏi của giảng viên để mua quà tặng những người vô gia cư.

Nhóm Thiện Tâm do giảng viên trẻ Hoàng Viết Hiền đứng đầu, quy tụ nhiều sinh viên tham gia.

Nhóm Thiện Tâm do giảng viên trẻ Hoàng Viết Hiền đứng đầu, quy tụ nhiều sinh viên tham gia.

Tới đầu năm 2023, nhóm sinh viên của TS Hiền tình cờ phát hiện kênh TikTok của thầy mình đăng hình ảnh đi tặng quà nên đã xin tham gia cùng, thế là nhóm hoạt động trở lại. Thiện Tâm quy tụ các bạn trẻ sinh viên nơi TS Hiền đang giảng dạy cùng một vài trường khác có cùng tâm nguyện làm công tác xã hội. Đặt tên nhóm là Thiện Tâm, TS Hiền cho rằng muốn gieo hạt giống thiện vào lòng các thành viên, nhất là các bạn trẻ, "để dù đi một chương trình hay gắn bó lâu dài, các bạn cũng được tưới tắm năng lượng tích cực từ sự cho đi, như chính slogan của nhóm là Gieo hạt thiện nguyện".

Tính tới tháng 8 này, TS Hiền đã cùng thành viên nhóm triển khai 10 hoạt động thiện nguyện. Nói là trưởng nhóm, giảng viên của các bạn, nhưng TS Hiền luôn tôn trọng ý kiến của từng thành viên, nên bất cứ quyết định gì đều là sự thống nhất của tập thể, từ việc đi đâu, làm gì, mua gì làm quà tặng...

Hồi tưởng một trong những chuyến đi, TS Hiền cho biết chuyến đi tới mái ấm Thiên Thần (TP.Thủ Đức, TP.HCM) để lại cho anh ấn tượng sâu sắc. Là người thiếu tình thương của ba do ông đã mất, TS Hiền xúc động cho biết anh cảm nhận được sự thiếu thốn tình thương từ các bé mồ côi bị bỏ rơi. "Sau mỗi chuyến đi, tôi đều nhắn nhủ các bạn sinh viên trân trọng những gì mình có, vì chúng ta có quá nhiều sự may mắn so với những mảnh đời ngoài kia", anh nói.

Theo TS Hiền, cứ sau mỗi sự kiện được tổ chức, anh đều quan sát và cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bạn sinh viên khi biết cho đi. Có lẽ hạnh phúc từ làm công tác xã hội có thể lan tỏa nên sau mỗi hoạt động, số lượng thành viên của nhóm lại tăng lên, các bạn cũ mời gọi thêm thành viên mới.

Nói về quan điểm làm thiện nguyện, TS Hiền nhất quán "có bao nhiêu làm bấy nhiêu". Do vậy, anh không đặt nặng việc quyên góp được ít hay nhiều. Ngoài nhận sự chung góp của những người thân gửi gắm, nhóm còn tìm nhiều cách để gây quỹ. Ví dụ chương trình sắp diễn ra, các bạn sẽ bán bánh tráng trộn, "một cách tạo công ăn việc làm cho tình nguyện viên", TS Hiền vui vẻ nói.

Nói về cách cho và của cho, trưởng nhóm Thiện Tâm chia sẻ, trước khi trao, anh đều trao đổi với bên nhận để xem họ cần gì, nhóm sẽ mua dựa trên nhu cầu đó để tránh lãng phí. Với những đợt tặng quà đêm, khi TP.HCM vào mùa mưa, nhóm sẽ mua áo mưa để tặng kèm phần quà nhu yếu phẩm. "Đặc biệt, trước mỗi hoạt động, tôi đều nhắc các bạn trao quà bằng hai tay, cúi người, bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ của mình", TS Hiền nói.

Theo LƯU ĐÌNH LONG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...