Mới đây, tại lò sấy cà phê của gia đình ông Đinh Văn Giáp (làng Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) xảy ra chập điện khiến 1 nhân công bị tai nạn lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Giáp kể lại: “Chập tối 23-11, anh Mai Văn Thọ-công nhân vận hành lò sấy tự ý tăng nhiệt của lò sấy lên mà không ngắt cầu dao điện làm cho cả hệ thống sấy cà phê nổ tung. Hơn 1 tấn cà phê quả bắn ra khắp nơi. Anh Thọ bị hạt cà phê bắn vào mắt phải bị thương nặng. Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mắt của anh Thọ vẫn chưa trở lại bình thường”.
Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tuyên truyền công tác ATVSLĐ tại Hội thi an toàn vệ sinh viên năm 2022. Ảnh: Đ.Y |
Nhớ lại khoảnh khắc đó, giọng anh Thọ đầy ân hận: “Giá như lúc ấy tôi tuân thủ đúng quy trình sản xuất là ngắt cầu dao điện trước khi tăng nhiệt độ của lò sấy thì không xảy ra tai nạn lao động, vừa thiệt hại về kinh tế vừa gây thương tật cho mình”.
Những ngày cuối năm, quan sát ở một số công trình xây dựng trên địa bàn TP. Pleiku, có thể nhận thấy nhiều công nhân, nhất là công nhân ở các công trình xây dựng tư nhân không tuân thủ đúng theo quy trình an toàn lao động như: không mặc đồ bảo hộ lao động, không thắt dây đai an toàn và đeo khẩu trang chống bụi.
Anh Nguyễn Văn Bình-công nhân xây dựng công trình trên đường Nguyễn Trung Trực-cho biết: “Tiết trời nắng gắt mà đội mũ bảo hộ lao động thì rất nóng. Vì vậy, tôi đội mũ vải cho mát. Còn thắt dây an toàn thì vướng víu ảnh hưởng đến công việc”.
Còn anh Cao Văn Trung thì chia sẻ: “Mình là dân lao động làm thuê cho chủ thầu tư nhân nên không đòi hỏi nhiều vấn đề trang-thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động; chủ yếu do bản thân tự ý thức đảm bảo an toàn. Công việc ngày càng khó, miễn có việc làm để kiếm tiền nuôi vợ con là tốt lắm rồi”.
Đề cập vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-cho hay: Hàng năm, Phòng tham mưu UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai công tác đảm bảo ATVSLĐ; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất tại nơi làm việc về công tác ATVSLĐ. Qua đó, phát hiện nhiều trường hợp công nhân lao động không thực hiện đúng theo quy trình về ATVSLĐ.
Khi được hỏi về công tác ATVSLĐ, nhiều người tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người lao động chủ quan không thực hiện đầy đủ theo quy định, trong khi đa số chủ sử dụng lao động đều có ý thức xây dựng nội quy lao động an toàn và trang bị các đồ dùng bảo hộ lao động tại chỗ.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn lao động khiến 4 người chết. Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Con số này chưa phản ánh đúng về thực trạng ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm báo cáo về ATVSLĐ, phòng-chống cháy nổ. Mặt khác, số vụ tai nạn không gây chết người trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp vẫn chưa được thống kê... Nếu công tác thông tin báo cáo thực hiện nghiêm thì số vụ tai nạn lao động có thể sẽ nhiều hơn.
Người lao động cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đảm bảo ATVSLĐ trên công trường. Ảnh: Ngọc Lễ |
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện vẫn còn tình trạng chủ sử dụng lao động chưa chú trọng tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động hoặc có làm nhưng đối phó; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; không dành kinh phí thỏa đáng để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động.
Bên cạnh đó, hàng năm, chỉ có 15% doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và đo kiểm tra môi trường lao động. Trong khi đó, nhận thức của người lao động về công tác ATVSLĐ chưa cao. Qua thanh-kiểm tra, ngành chức năng ghi nhận tình trạng người lao động dù biết mức độ nguy hiểm song vẫn cố tình không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định an toàn; dù được trang bị, nhưng không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động...
Đáng chú ý, trong sản xuất nông-lâm nghiệp, người lao động đa phần làm việc dựa vào tập quán, kinh nghiệm, thói quen nên nguy cơ mất ATVSLĐ còn cao. Một nguyên nhân nữa là công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ chưa thường xuyên, nên chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm của doanh nghiệp về bảo đảm ATVSLĐ. Ngoài ra, chế tài của Nhà nước đối với các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh, chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp tự khắc phục.
“Để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn lao động, thời gian tới, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động cần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về ATVSLĐ. Các ngành, quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ. Ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.