(GLO)- Vụ cháy tại ngõ 136, phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) đã làm 6 người trong nhà thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định do chập điện, căn nhà không có cửa thoát hiểm nên để lại hậu quả thương tâm… Ngay sau vụ việc trên, Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy-Cứu nạn Cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh nằm xen lẫn khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Kết quả là hầu hết những hộ dân này đều đang tự đặt mình vào mối nguy hỏa hoạn…
Ảnh: Hạ Vy |
Những năm qua, số vụ cháy diễn ra tại các khu dân cư vẫn chiếm số lượng lớn. Chỉ riêng năm 2014, trong tổng số 26 vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh thì có đến 42,3% số vụ cháy xảy ra ở khu dân cư.
Với những số liệu trên, có thể thấy, công tác phòng-chống cháy, nổ tại khu dân cư đang đến mức báo động. Qua kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tại hàng trăm hộ kinh doanh hàng hóa nằm xen lẫn trong các khu dân cư trên địa bàn tỉnh thì hầu hết đều có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ. Trong đó, khoảng 90% hộ kinh doanh không thể chủ động đối phó khi có sự cố xảy ra. Các hộ kinh doanh này chủ yếu bày bán hàng dễ cháy như: may mặc, điện tử, gas, hàng khô… nhưng hàng hóa được bày choán hết lối đi, nhất là ở khu vực cầu thang. Nguồn điện được bắc thấp, nhiều hộ dân còn sử dụng nguồn lửa sinh hoạt hàng ngày sát với hàng hóa. Trong khi đó, để đề phòng trộm cắp, các hộ kinh doanh này đã làm các khung sắt, cửa sắt rào chắn kỹ lưỡng, khiến cả căn nhà không có lối thoát hiểm khi xảy ra cháy ở tầng một. Hệ thống bình chữa cháy mini dù được trang bị, nhưng thời gian lâu không được sử dụng, bảo dưỡng, thậm chí nhiều hộ kinh doanh còn đặt bình chữa cháy vào nhà kho hoặc để không đúng địa điểm phù hợp, nên khó ứng phó kịp thời khi có hỏa hoạn.
Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh cho biết: “Nguy cơ cháy, nổ ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề được chúng tôi hết sức lưu tâm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nhiều khu dân cư được xây dựng tự phát, xuất hiện thêm nhiều khu “ổ chuột”… Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện được người dân đấu nối chằng chịt, đường giao thông do đã xây dựng từ lâu nên nhỏ hẹp và trên tuyến chưa bố trí được các trụ nước để phục vụ cho công tác PCCC, do đó khi xảy sự cố, xe chuyên dụng không thể áp sát để kịp thời khống chế. Nguy cơ tiềm ẩn là vậy, nhưng ý thức chấp hành pháp luật về PCCC để tự bảo vệ tính mạng và tài sản cho bản thân thì người dân còn thiếu quan tâm nên khi xảy ra sự cố sẽ rất khó lường trước được hậu quả…”.
Thời điểm cuối năm là lúc các hộ kinh doanh tích trữ hàng hóa ngay tại nhà nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều này cũng khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao. Theo Đại tá Bình, các hộ kinh doanh hàng hóa với quy mô lớn, nhưng rất ít người tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro, người dân sẽ bị thiệt hại lớn về tài sản… Đừng vì thiếu hiểu biết mà tự đặt tính mạng và tài sản của gia đình và mọi người xung quanh vào nguy hiểm.
Hạ Vy