Tích hợp giá trị sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 6 năm triển khai trên toàn quốc, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, được xem là một trong những giải pháp chiến lược nâng cao giá trị nông sản, tích hợp đa ngành, phát triển công nghiệp nông thôn, các làng nghề truyền thống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thông tin từ Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2024 đang diễn ra tại tỉnh Kiên Giang, các sản phẩm OCOP của vùng này đã vươn lên vị trí thứ 2 cả nước. Chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đa dạng, tiện ích và hấp dẫn người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP gắn với các thương hiệu nước mắm Phú Quốc - Kiên Giang, các mặt hàng đến từ vương quốc trái cây Tiền Giang như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, các sản phẩm từ dừa Bến Tre, dừa sáp Trà Vinh, tôm, cua Cà Mau, Sóc Trăng, muối Bạc Liêu... không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao.

Dù chương trình đã mang lại kết quả tích cực nhưng nhiều sản phẩm OCOP còn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, chưa có chiến lược tiếp thị hiệu quả. Nhiều nơi vẫn gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu. Liên kết vùng, phát triển đa ngành vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Để khắc phục những hạn chế trên và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở ĐBSCL, cần thực hiện các nhóm giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp chế biến, tích hợp du lịch và làng nghề, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng sản phẩm. Yêu cầu sắp tới cần tăng cường tích hợp giá trị liên ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, các ngành công nghiệp sáng tạo khác như thiết kế thời trang, mang các giá trị nông sản OCOP vào ngành công nghiệp văn hóa, chuyển tải các giá trị bản địa của vùng ĐBSCL.

Theo đó, cần tăng cường hợp tác giữa các địa phương để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đầu tư nhiều hơn cho công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao chất lượng và giá trị, tập trung vào việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Kết hợp phát triển du lịch với các làng nghề truyền thống, tạo ra các trải nghiệm độc đáo cho du khách và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, tăng hỗ trợ các cơ sở sản xuất OCOP tiếp cận với các chứng nhận quốc tế để gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu. Cần có các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP ở cả thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là thông qua các kênh thương mại điện tử.

Du lịch nông nghiệp là một mô hình tiềm năng để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP tại ĐBSCL. Việc kết hợp giữa làng nghề với du lịch cũng là một hướng đi tiềm năng. Khách du lịch không chỉ tham quan mà còn có thể trải nghiệm quá trình sản xuất và mua sắm các sản phẩm OCOP. Những trải nghiệm về các làng nghề, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cùng với việc kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương và doanh nghiệp. Việc đào tạo nhân lực địa phương để phục vụ du lịch cũng là yếu tố quan trọng, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh.

Làng nghề truyền thống và công nghiệp nông thôn là một phần không thể thiếu trong chương trình OCOP. Các làng nghề như làm gốm, dệt chiếu, sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, dừa, các mặt hàng nông sản khác ở các địa phương đã có bước phát triển đáng ghi nhận nhưng cần tăng cường hỗ trợ để đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến và phát triển mẫu mã sản phẩm hiện đại sẽ giúp làng nghề giữ gìn giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại.

Chương trình OCOP ở ĐBSCL đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và làng nghề. Tuy nhiên, để chương trình này thực sự phát huy hết tiềm năng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương và sự đầu tư đồng bộ vào công nghệ, quy hoạch, xúc tiến thương mại. Việc tích hợp giá trị liên ngành sẽ là chìa khóa giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, góp phần phát triển bền vững cho ĐBSCL trong tương lai.

Theo TS. TRẦN HỮU HIỆP (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Hành động thực chất

Hành động thực chất

Không chỉ "vừa chạy vừa xếp hàng" mà còn phải bứt tốc để cùng lúc chuẩn bị, triển khai cả về diện rộng lẫn chiều sâu, xắn tay vào nhiều đầu việc quan trọng ngay những ngày đầu năm 2025. Đó là tâm thế của TP.HCM lúc này.