Quá trình làm thuyền trải qua nhiều giai đoạn công phu gắn liền với những nghi thức nghiêm ngặt. Trước khi đi lấy cây gỗ, các thành viên trong gia đình không được chẻ củi, may vá, ủ nước vào bầu. Khi chặt cây, nếu cây đổ đè phải con vật nào đó, thân cây không nằm xuống đất, cây đổ mà ngọn đâm xuống hoặc chắn ngược dòng suối chảy hay bất chợt có một con vật chạy ngang qua thân cây; khi đi lấy cây gặp con rắn, con mang chạy ngang qua đường thì phải lùi ngày lại để tránh điềm xấu xảy ra... Nếu phạm những điều này đều bị coi là điềm xấu, việc làm thuyền sẽ không suôn sẻ.
Thuyền được làm ngay tại nơi lấy nguyên liệu. Để thuyền giữ được độ thăng bằng, không bị cong vênh, người thợ phải chọn những khúc gỗ to, thẳng; trong quá trình khoét rỗng lòng thuyền, đẽo mạn thuyền phải tính toán sao cho cân đối để khi xuống nước thuyền không bị nghiêng lệch. Sau đó, lần lượt đẽo từ đuôi thuyền, mũi thuyền rồi chia từng phần nhỏ để khoét lòng thuyền. Việc đẽo, khoét lòng thuyền bằng các dụng cụ đơn giản như rìu, rựa kết hợp giữa đục đẽo với đốt lửa nhằm vừa làm khô bớt lượng nước trong thân gỗ vừa dễ đẽo gọt vừa làm nóng thân gỗ để nong căng mạn thuyền.
Hiện nay, huyện Ia Grai còn bảo lưu nhiều yếu tố liên quan đến thuyền độc mộc, trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 xã Ia Khai và Ia O. Trong đợt khảo sát vào năm 2020 của Bảo tàng tỉnh, xã Ia Khai có 16 chiếc, xã Ia O có 8 chiếc, đều còn sử dụng được. Đến tháng 9-2022, khi phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khảo sát và nghiên cứu các loại hình thuyền truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả thống kê được ở xã Ia Khai còn 11 chiếc, Ia O còn 3 chiếc. Phần lớn thuyền còn sử dụng nhưng mức độ hư hỏng ngày càng lớn, phải chắp vá, chỉnh sửa mới dùng được. Như vậy, chỉ sau 2 năm, số lượng thuyền độc mộc đã giảm đi đáng kể. Trao đổi với người dân địa phương, chúng tôi được biết, một số thuyền do hư hỏng nặng, một số bị chìm xuống sông mất trong mùa nước lớn và một số đã bán cho những người sưu tầm.
Để bảo tồn và phát huy giá trị thuyền độc mộc, trước hết phải có người đẽo thuyền, nguyên liệu làm thuyền và người sử dụng thuyền. Tức là phải có môi trường để di sản tồn tại, phát huy. Thiếu một trong các yếu tố này thì mọi hoạt động bảo tồn chỉ mang tính tức thời và không mang lại hiệu quả cao. Hiện số lượng nghệ nhân ở 2 xã nói trên chỉ có 6 người thuần thục trong việc đẽo thuyền, đa phần đã lớn tuổi, già yếu. Số ít lớp trẻ biết kỹ thuật cơ bản về làm thuyền nhưng chỉ trên lý thuyết thông qua các lớp truyền dạy, thực tế thì chưa được thao tác trực tiếp, vì thế, kỹ năng thực hành chưa được đánh giá cao. Do đó, việc tiếp tục duy trì nghề làm thuyền độc mộc là hết sức khó khăn.
Ông Rmah Hyen (SN 1954, trú tại làng Bi, xã Ia O) là một trong những người đẽo thuyền giỏi ở huyện Ia Grai.
Còn ông Rơ Lan Pêng (SN 1937, trú tại làng Nú, xã Ia Khai) thì cho hay: Ông đã làm được khoảng 60 chiếc thuyền, chiếc làm gần đây nhất là năm 2012. “Ngày nay, việc chọn cây rất khó, một phần tuổi cao sức yếu nên mình ít làm thuyền độc mộc. Những lúc nhớ nghề thì mình chọn những khúc gỗ nhỏ làm thuyền độc mộc dạng mô hình trang trí”-ông Pêng tâm sự.
Trong xã hội hiện đại, việc đẽo thuyền độc mộc, một loại hình tri thức dân gian độc đáo đang bị mai một cũng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để giữ lại hồn cốt của di sản, để di sản thuyền độc mộc có môi trường tồn tại, để nghệ nhân có điều kiện thực hành di sản thì thiết nghĩ việc tiếp tục mở lớp truyền dạy nghề đẽo thuyền độc mộc, sửa chữa thuyền, chèo thuyền; tổ chức các cuộc thi đua thuyền độc mộc gắn liền với phát triển du lịch nhằm tạo sinh kế cho người dân… là vô cùng cần thiết. Song, cũng cần chú ý tới việc làm sao để duy trì mạch nguồn, khơi gợi khả năng sáng tạo và ý thức tự hào về văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc tại chỗ. Đồng thời, cũng cần có cơ chế mở nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu để nghệ nhân có cơ hội thực hành di sản, khuyến khích hoặc hỗ trợ người dân sử dụng thuyền độc mộc trong cuộc sống… Khi đó, di sản thuyền độc mộc sẽ có môi trường tiếp tục tồn tại và phát triển.