Thường xuyên xảy ra tai nạn, Quảng Ngãi đề nghị mở rộng Quốc lộ 24B

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tuy là tuyến Quốc lộ, nhưng mặt đường chỉ rộng 5,5m, lại phải “gánh” lưu lượng tham gia giao thông quá lớn nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc.

Đề nghị mở rộng 6km

Tuyến Quốc lộ 24B có chiều dài 108km, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ Khu Kinh tế Dung Quất, khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong (qua QL1A) với các huyện khu Tây của tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời kết nối tỉnh Kon Tum, Gia Lai với lưu lượng người và phương tiện lưu thông rất đông, nhưng mặt đường quá hẹp (chỉ 2 làn xe) nên thường xuyên xảy ra tai nạn, tắc nghẽn giao thông.

Trong đó, 6 km gần nút giao với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi quy mô 2 làn xe, mặt đường rộng 5,5m. Từ khi cao tốc thông xe năm 2018 đến nay, đoạn đường phải "gánh" thêm lượng lớn ôtô nên thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có hàng chục văn bản kiến nghị xin nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B, đoạn từ TP. Quảng Ngãi đến xã Tịnh Hà với chiều dài gần 6km.

Thường xuyên xảy ra tai nạn, Quảng Ngãi đề nghị mở rộng Quốc lộ 24B ảnh 1

Từ khi cao tốc thông xe năm 2018 đến nay, đoạn đường từ TP Quảng Ngãi đến xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) phải “gánh” thêm lượng lớn ôtô nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Ngọc Viên

Là người thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 24B, ông Phạm Văn Linh ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh chia sẻ: "Quốc lộ 24B, đoạn nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ở trạm thu phí xã Tịnh Hà, được xem là cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ngãi.

Khi cao tốc thông xe từ 2018, đoạn đường này trở thành lối đi của nhiều ô tô ra vào thành phố Quảng Ngãi, lại sẵn hàng chục nghìn công nhân ở khu công nghiệp Vsip, khu công nghiệp Tịnh Phong, học sinh lưu thông qua đây, nên thường xuyên quá tải.

Vào lúc sáng sớm và chiều tối, người đi đường phải nhích từng chút vì lưu lượng tham gia giao thông quá đông đúc…".

Tương tự, chị Nguyễn Thị Yến ở thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh than thở: “Tôi làm công nhân ở KCN Tịnh Phong, vào sáng sớm và chiều tối, tôi đều lưu thông qua Quốc lộ 24B và thấy rất vất vả do đường quá chật hẹp.

Từ chỗ làm đến nhà khoảng 13km mà nhiều hôm chạy xe máy hơn 60 phút. Tôi cũng chứng kiến rất nhiều vụ TNGT, xe cộ thường xuyên va quệt mà một phần nguyên nhân là do đường chật hẹp.

Thường xuyên xảy ra tai nạn, Quảng Ngãi đề nghị mở rộng Quốc lộ 24B ảnh 2

Lòng đường chật hẹp là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT trên tuyến Quốc lộ 24B ở Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Cấp thiết nhưng vẫn phải chờ

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị nâng cấp lên 4 làn xe với tổng vốn 600 tỉ đồng trong giai đoạn 2023 – 2025, mở rộng 6km Quốc lộ 24B nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, hiện chưa có vốn mở rộng đoạn đường được xem là "cửa ngõ” phía tây của tỉnh Quảng Ngãi vì đang tập trung nguồn lực do các dự án giao thông chiến lược.

Bộ GTVT đồng thuận với việc mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đặc biệt là 6km qua TP.Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh nối cao tốc để tăng cường tính kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư cao tốc.

Song, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới bao gồm cả nâng cấp Quốc lộ 24B.

Thường xuyên xảy ra tai nạn, Quảng Ngãi đề nghị mở rộng Quốc lộ 24B ảnh 3

Tuy việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B ở Quảng Ngãi là cấp thiết, nhưng hiện Bộ GTVT vẫn chưa có vốn để mở rộng cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Đối với tỉnh Quảng Ngãi, trong điều kiện nguồn lực khó khăn, Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 5.471 tỉ đồng để hoàn thành 2 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước (gồm Quốc lộ 24, cải tạo cầu yếu, gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Thống nhất) và khởi công mới 2 dự án là cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Vinh - Nha Trang.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết, việc nghiên cứu mở rộng Quốc lộ 24B là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên Bộ đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cân đối trong tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đoạn đường này.

Link bài gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/thuong-xuyen-xay-ra-tai-nan-quang-ngai-de-nghi-mo-rong-quoc-lo-24b-1149403.ldo

Có thể bạn quan tâm

Cần điều chỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Cần điều chỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

(GLO)- Các trường hợp thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và lợi ích quốc gia, công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi thấy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có quy định cụ thể trong một số trường hợp, đó là việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại

Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại

(GLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn... Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Cần chỉnh sửa tên đường ở TP.Pleiku cho chuẩn xác

Cần chỉnh sửa tên đường ở TP.Pleiku cho chuẩn xác

(GLO)- Theo thống kê, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có khoảng 400 tuyến đường, trong đó có 239 tuyến đường đã được đặt tên các nhân vật lịch sử có công với nước, các địa danh nổi tiếng, tên gọi có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những tuyến đường mang tên họ các nhân vật lịch sử kiệt xuất chính xác, còn có tên chưa chính xác. Ví dụ như có sự nhầm lẫn giữa Lê Thánh Tông và Lê Thánh Tôn. Việc TP. Pleiku đặt tên đường Lê Thánh Tôn là chưa chuẩn xác.
Thị trường bất động sản Gia Lai “hạ nhiệt”

Thị trường bất động sản Gia Lai “hạ nhiệt”

(GLO)- Sau cơn sốt đất năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) tại Gia Lai đang trong điểm rơi về giá khi khả năng thanh khoản ở các loại hình đều giảm mạnh. Những diễn biến của thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, khả năng giá BĐS sẽ tiếp tục giảm sâu trước khi bước vào chu kỳ ổn định giá mới.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn

Tập huấn Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý hệ thống thông tin nhà ở

(GLO)- Sáng 22-2, tại Trung tâm hội nghị Pleiku Palace (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức tập huấn Nghị định số 44/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29-6-2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.