Nếu bạn được sinh ra trong cảnh đủ đầy, êm ấm, bạn quả thực may mắn và hạnh phúc. Nhưng nếu biết cách sẻ chia ngay cả khi mình không giàu có, dư dả gì, bạn cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc theo cách khác.
Người dân cả nước sẻ chia với TP,HCM trong cơn đại dịch Covid-19 - Ảnh: Bắc Bình- Lâm Viên |
Tôi từng cảm nhận được nét mặt mừng vui của một người bán trái cây dạo khi mọi người xúm vào mua giúp để anh kịp bán hết trước khi lệnh giãn cách toàn thành phố có hiệu lực thi hành. Có những người mua không phải vì họ thích loại trái cây đó, nhưng niềm vui được giúp đỡ đồng bào mình trong cơn khốn khó khiến họ hạnh phúc khi được sẻ chia.
Tôi từng nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt cô gái bán rau bên vệ đường khi mớ rau cuối cùng đã kịp bán nốt (dù với giá rẻ như cho) trước khi họ phải trả lại sự thông thoáng của phố phường trước giờ xã hội giãn cách. Tôi tin đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, cũng như người sẻ chia với cô trong khoảnh khắc bấn loạn ấy cũng sẽ hạnh phúc lây.
Thi thoảng bắt gặp đâu đó sự so sánh lối sống của nơi này với nơi khác, tôi chẳng mảy may chạnh lòng. Trái lại, tôi thấy mình dẫu không được may mắn sinh ra giữa chốn phồn hoa nhưng quanh tôi đầy ắp những con người tử tế luôn sẵn sàng sẻ chia với đồng loại khốn khó hơn mình. Đó là những tình nguyện viên trên khắp các mặt trận, là những mạnh thường quân giấu mặt, là những người bạn rong ruổi khắp phố phường chỉ để dúi ít quà vào tay những người cơ nhỡ lang thang... Họ sẻ chia khi bản thân chưa hẳn đã có một cuộc sống viên mãn đủ đầy, đó chẳng phải là nét đẹp của sự tử tế hay sao?
Sự sẻ chia không có ý nghĩa cân bằng hay đem lại sự công bằng trong cuộc sống, nhưng chí ít nó đem lại sự nâng đỡ tinh thần cho những ai đang cần vực dậy từ hố sâu khủng hoảng, suy sụp bởi cảm giác được quan tâm. Hiểu được chân lý “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp biết bao khi ai nấy sẵn sàng chia sẻ với nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Theo Lê Thị Ngọc Vi (TNO)