Thưởng Tết: Thấu hiểu, sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với người lao động (NLĐ) làm việc trong các doanh nghiệp (DN), những ngày đi dần về phía cuối năm là lúc bắt đầu nóng lên câu chuyện thưởng Tết. Dù muốn hay không, bất cứ hoàn cảnh nào, ai cũng không thể quên rằng cái Tết đang về và nghĩ đến khoản tiền thưởng nhận được sau một năm làm việc cũng là lẽ thường tình.

Dù vất vả, nhọc nhằn trong đời sống, dù bấp bênh việc làm sau những tháng ngày chống chọi với đại dịch Covid-19 thì ai cũng vẫn phải sống, vẫn lo chuyện Tết. Đầu óc không thể không nghĩ đến Tết với những lo toan. Vào nhà máy không thể không nghe, không nói chuyện thưởng Tết.

Những lúc bình thường như mọi năm thì thưởng Tết luôn là mối quan tâm hàng đầu của NLĐ nhưng năm nay càng đặc biệt hơn. Thưởng Tết đã và sẽ được nhìn trong nếp tư duy quen thuộc "năm hết Tết đến", Tết đầm ấm, sum vầy nhưng nếp nghĩ về Tết đã có sự đổi thay theo hướng mềm dẻo hơn, nhân văn hơn. Nhiều NLĐ sẽ không đòi hỏi DN một cách riết róng, không quá căng thẳng nếu trong năm qua DN làm ăn khó khăn, bản thân từng NLĐ đã thấm thía cảnh nghỉ chờ việc. Chỉ cần có việc làm, thu nhập thường xuyên đã là mong mỏi hàng đầu. Ba ngày Tết có thêm khoản nào mang tính chất động viên cũng đều đáng quý.

Thưởng Tết luôn gắn với nhận thức, sự lo toan và cách ứng xử của DN. Qua đó, NLĐ hiểu rõ hiện tình, đánh giá thiện chí. Buồn vui cũng xuất phát từ đây. Giữa muôn vàn khó khăn bủa vây DN và NLĐ thì thưởng Tết đã có sự sẻ chia, thấu hiểu. Năm nay, hẳn NLĐ sẽ không nhìn quanh mà so đo. Nhìn sang DN bạn, thấy bạn thưởng cao hơn thì mừng cho bạn hơn là buồn riêng cho mình như trước.

Hai năm qua, đặc biệt là năm 2021, vừa gượng dậy sau năm 2020, nhiều DN đã bị "đánh bồi" bởi những đợt dịch khiến nhiều DN phải giải thể, NLĐ mất việc. Nhiều DN gắng trụ lại và giữ việc làm cho NLĐ, lấy đó làm may mắn để cùng nhau vượt khó. Có những DN hoàn cảnh cũng rất khó khăn, song đã đưa vào thỏa ước lao động tập thể, thưởng Tết đã thành thông lệ nhiều năm. Vừa hoạt động trở lại không lâu nhưng cũng cố gắng xoay xở để có thưởng cho NLĐ, như một sự tri ân, động viên, ghi nhận và thắt chặt tình cảm gắn bó tại nơi làm việc. Mọi năm là liên hoan cuối năm, phát tiền thưởng Tết, năm nay DN sẽ tiết giảm để có khoản gọi là quà trước Tết và tiền lì xì sau Tết khi NLĐ đi làm trở lại.

Nhiều DN đã làm ăn thua lỗ, vẫn cố cầm cự để duy trì việc làm cho NLĐ và nguồn nhân lực này giúp DN trụ lại trong khó khăn. Những ngày không có việc làm, vẫn chi lương chờ việc cho NLĐ. Tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" tốn kém rất nhiều chi phí vẫn "cắn răng mà làm" vì không có sự lựa chọn nào khác, vừa duy trì hoạt động DN vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Nay cái Tết đang đến, lại đắp đổi để NLĐ ít nhất cũng có cái Tết "không đến nỗi nào".

Vì vậy, thưởng Tết cũng chính là thước đo nỗ lực của lãnh đạo DN, lòng người nghĩ về nhau, là sẻ chia, thấu hiểu. Ba ngày Tết rồi cũng sẽ qua mau, cái đọng lại trong mỗi người là cách ứng xử, sự cho đi và nhận lại, cùng bước bên nhau trong cuộc hành trình.

Theo ĐỨC MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.