Thương nhớ… yaourt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong một cuộc trà dư tửu hậu, anh bạn tôi là phó tổng giám đốc một công ty của Thái Lan ở Việt Nam chợt bảo, lát tôi sẽ dẫn các ông đi tới chỗ này, hay lắm. Vì tò mò nên chúng tôi gặng hỏi, anh mới tiết lộ, đây là cái quán mà ngày trước khi đang học cấp ba, anh và bạn bè thường tới chỉ để ăn đúng một món. Chỉ là yaourt thôi mà, nhưng ngon lắm, ngon từ ngày ấy tới tận bây giờ.
Quán nằm giản dị ở số 90 đường Cù Chính Lan như rất nhiều quán tạp hóa khác trong thành phố. Chỉ với vài bộ bàn ghế nhựa cho khách ngồi, thế nhưng đã có biết bao nhiêu lượt khách tới chỉ để nhấm nháp những hũ yaourt. Thôi thì đủ cả, từ già đến trung trung tuổi, tới những cô cậu học trò.
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Vốn là người kiệm lời, nhưng khi được hỏi chuyện về những hũ yaourt, anh chủ quán Nguyễn Đình Vân chợt sôi nổi hẳn lên. Anh kể: “Thoạt đầu chỉ là tò mò khi thấy chị bạn cùng cơ quan làm yaourt ăn nên anh hỏi cách làm rồi về làm thử. Mấy đứa con bảo ngon, thế là làm tiếp. Rồi bạn bè tới chơi thì đem ra mời. Cứ thế vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cho tới khi người ta đến hỏi mua tôi mới bắt đầu làm với số lượng nhiều để bán, chính xác là từ năm 1992. Thực ra cũng phải mất một thời gian khá dài, qua rất nhiều lần thử bằng sữa này sữa khác mới ngon được như bây giờ”. Chẳng biết trong những hũ yaourt nho nhỏ ấy anh có bỏ thứ gì để “gây nghiện” không mà chỉ biết rằng từ mấy chục năm nay, những người ăn yaourt ở quán anh những ngày đầu tiên còn là những cô cậu học trò, giờ đã là những ông bố bà mẹ, rồi giờ lớp con lớp cháu của họ vẫn nhớ và vẫn tìm về quán anh để ăn. Anh kể, nhiều gia đình có con đi học xa vẫn thường bảo bố mẹ tới quán anh mua yaourt gửi cho chúng. Khi tôi hỏi anh về bí quyết làm yaourt, anh thật thà nói: “Chẳng có gì là bí quyết cả. Cách làm nào cũng giống nhau thôi. Cũng sữa đó, nước đó, tủ đó. Chỉ có điều mình làm lấy số lượng hay chất lượng. Nếu từng đó nguyên liệu mà mình ham số lượng thì dứt khoát sẽ không thể ngon bằng. Tôi quan tâm đến chất lượng. Bao nhiêu năm nay, chất lượng yaourt tôi làm không thay đổi. Mình phải biết điều tiết. Từ việc chọn sữa nào, đến việc pha với tỷ lệ thế nào, thời gian ủ bao lâu cho phù hợp. Mỗi đợt, tôi làm 700 hũ, không hơn không kém. Và làm gối đầu liên tục. Mình trân trọng tình cảm của khách dành cho sản phẩm của mình. Từng đó thời gian mà khách vẫn đông, hàng mình làm ra vẫn bán hết thì chứng tỏ yaourt của mình phải như thế nào thì người ta mới tin dùng đến thế chứ”.
Trong cái tiết trời lành lạnh của những ngày cuối năm, câu chuyện giữa tôi và anh bị ngắt quãng liên tục bởi khách tới mua yaourt. Có mấy bạn trẻ ngồi ăn tại chỗ, vừa xuýt xoa vừa gọi, chú ơi lạnh quá, cho cháu hũ yaourt nữa ạ. Ơ kìa lạ chưa? Đã lạnh rồi mà vẫn gọi nữa, ăn nữa là sao? Cô bé vừa hì hì cười vừa nói, nhưng mà ngon chú ạ, tụi con nghiện mất rồi.
Có thể cô bé ấy chỉ “nghiện” một thức quà ăn vặt của tuổi teen trong khi chờ sang ca một lớp học thêm nào đó. Nhưng với rất nhiều người đã bước sang lứa tuổi tứ tuần như anh bạn tôi chẳng hạn thì có lẽ lại “nghiện” vì một lẽ khác. Ấy là một khoảng ký ức về những ngày đã xa khi lũ bạn gặp lại nhau, chợt ồn ào rồi lại lắng xuống trong câu chuyện ngày xưa. Hay đó chỉ là một chút thời gian nghỉ ngơi sau bao bộn bề với cuộc sống mà ngồi lặng lẽ gạt gạt từng muỗng nhỏ cái thứ chua chua, ngòn ngọt kia để vơi đi những nhọc nhằn vất vả. Cũng có thể là một chút gì man mác về hình ảnh ai đó thoáng đi qua cuộc đời với tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của một thời vụng dại, ở cái địa chỉ thân quen này…
Khi cái hanh hao của nắng, của gió tràn về nơi phố nhỏ, bạn bè gặp lại nhau ngày cuối năm, thay vì tụ bạ nơi quán xá ồn ào thì tìm về góc phố này, cùng nhấm nháp hũ yaourt mà ôn lại cố tri âu cũng là điều hay, bạn ạ!
 NGUYỄN MINH TUẤN

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.