Thức quà ngày trở lạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy hôm nay trời trở lạnh. Heo may cũng vừa giăng mành ùa về cùng với cơn gió đầu đông đang vun vút vào không trung. Nhiều người yêu mùa đông Phố núi bởi những điều giản dị cùng những nhớ nhung se sắt trong lòng. Nhờ có mùa đông, ta mới nhận ra những yêu thương mà bấy lâu bị khuất lấp trong bộn bề cuộc sống. Nhưng cũng số khác, lý do khiến họ “phải lòng” mùa đông Phố núi, đơn giản vì cái cảm giác được nắm tay nhau đi khắp phố giữa tiết trời lạnh căm, rồi sà xuống hàng quán nào đó mà thưởng thức những thức quà mùa đông và cảm nhận sự ấm áp lan tỏa. 
  Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Bản tin thời sự liên tục dự báo không khí lạnh sẽ tiếp tục tràn về. Người qua phố vì thế cũng thưa hơn. Tuy nhiên, quanh Quảng trường Đại Đoàn Kết, hàng bắp nướng lại đông vui, thơm lừng! Cái mùi thơm chân quê, thoang thoảng chợt làm xao động tâm hồn. Hình như bắp nướng sinh ra là để cho mùa đông vì nó đã trở thành sở thích, vương vấn trong ký ức của ngày xưa thương khó, của biết bao thế hệ nhập cư, ngụ cư và hiện đang quần cư ở thành phố này. Trên khay than củi liu riu, mùi bắp chín thơm phức theo từng cánh tay quạt, bay xa, quấn quýt từng góc phố, từng ngõ ngách khiến ai đi qua cũng ngẩn ngơ ngoái tìm. Mùi thơm của bắp đậm đà hơn củ mì lùi, hiền hậu hơn khoai nướng, còn vị dẻo ngọt của nó cũng thật khó quên!
Cầm trái bắp mà thong thả đi tiếp đoạn đường sương giá, vừa đi vừa tỉa từng hạt, ta sẽ có cảm giác hơi ấm lan truyền từ tay vào khắp đường gân thớ thịt. Có lẽ bắp nướng cũng cần những bàn tay, những tấm lòng biết thưởng thức nó. Đến tận bây giờ, tôi vẫn mặc định cái mùi bắp nướng thơm lừng ấy chính là thức quà dịu ngọt của mùa đông. Cứ như, giữa giá lạnh ấy, lòng lại nhen lên những ấm áp lạ kỳ, như món quà bí mật của trái tim vậy.
Ở mỗi vùng miền sẽ có cách chế biến bắp nướng khác nhau: nơi thì rưới ngập mỡ hành bóng bẩy, nướng nước mắm ớt tỏi, nướng cùng bơ, chỗ thì tỉ mỉ tách hạt rồi cho thêm ruốc… Riêng ở Phố núi, phổ biến nhất vẫn là “nướng chay”, nghĩa là không thêm gia vị gì cả. Quà quê mà, món ăn chơi mà, càng giản đơn càng đọng vị. Nhưng cũng không thể nói người dân ở đây không sành vị bắp nướng. Biện luận đơn giản ấy là thói quen, sở thích. Họ mộc mạc, giản dị, thảo thơm ngay từ món ăn đường phố. Sao bắt họ phải đổi cái khẩu vị quen thuộc ấy đi? Mà ẩm thực, cần lắm sự đa dạng, đa dạng như một bức tranh có nhiều hình khối, mảng màu.
Những buổi chiều, tối mùa lạnh lẽo, theo lẽ thường nếu chẳng có việc quan trọng, người ta sẽ mau chóng về nhà rồi ở lì trong nhà cho ấm. Nhưng cũng có nhiều người lại nhất định muốn đi ra ngoài đường, tìm tới những hàng bắp nướng vỉa hè để co ro bên chậu than hồng, thưởng thức những món quà bình dân như một việc cần phải làm ngay, nếu không mùa đông sẽ đi qua mất. Vì vậy, với họ, thú ăn bắp nướng mùa đông cũng giống như cắn miếng cà pháo mùa giáp hạt, giống như húp bát canh chua mùa hè, nhẩn nha thưởng thức chén chè đỗ phơi sương mùa thu. Cứ thế là ngoảnh đi ngoảnh lại những xao xuyến, đa mang vẫn luôn ở đây, đâu đó loanh quanh trong thành phố…
 NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...