Số thu cao kỷ lục trong khi cuộc sống của rất nhiều người nộp thuế thu nhập cá nhân ngày càng chật vật vì giá cả đầu vào tăng cao.
Nghịch lý này cho thấy sự bất hợp lý của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngày càng lớn. Nó khiến cho thu nhập người làm công ăn lương bị bào mòn dần theo thời gian.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến tăng giá dịch vụ y tế với mức tăng khá cao, dự kiến sẽ áp dụng vào đầu năm 2023. Không bàn đến mức tăng hợp lý hay chưa, nhưng ở thời điểm này, phải chi thêm một khoản dù lớn hay nhỏ, đều có nguy cơ trở thành “giọt nước tràn ly” trong gánh nặng cuộc sống của rất nhiều người, nhiều gia đình.
Đã 3 năm tính từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, mặt bằng giá cả hàng hóa đã tăng liên tục. Rồi chiến sự Ukraine kéo dài... gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã lại khiến giá cả đội lên phi mã. Lương không tăng (3 năm qua chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở) mà giá tăng, thu nhập bị bào mòn lần thứ nhất.
Ở thời điểm hiện tại, tình trạng thất nghiệp đang gia tăng do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm nhân sự. Thế nên việc một người phải gánh thêm một, thậm chí vài người trong gia đình bị mất việc, là không ít. Thu nhập bị bào mòn lần thứ hai.
Hàng hóa tiêu dùng, ngay cả ăn uống có thể cố co kéo, cắt giảm nhưng các khoản chi cho y tế, giáo dục thì bắt buộc phải chi. Những dịch vụ này tăng giá, thu nhập bị bào thêm một lần nữa...
Trong bối cảnh đó, thuế TNCN sau rất nhiều phân tích về sự lạc hậu, hàng loạt kiến nghị cần điều chỉnh đều bị “nhà thuế” phớt lờ khiến người làm công ăn lương thiệt đơn thiệt kép. Cùng là khó khăn, DN trong mấy năm qua cũng được nhận các chính sách hỗ trợ thuế, lãi suất; thế nhưng cá nhân nộp thuế thì không. Họ lại thêm một lần thiệt thòi. Nên nhớ, ngưỡng thuế TNCN cao nhất là 35% trong khi thuế thu nhập DN là 20%. Việc cá nhân nộp thuế cao hơn DN cũng đã được các chuyên gia lên tiếng nhiều lần nhưng cũng chưa được điều chỉnh.
Những bất hợp lý, lạc hậu của thuế TNCN đã được phân tích rất nhiều, không thiếu góc cạnh nào. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thời điểm mà sức cầu trong nền kinh tế đang sụt giảm thì việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nộp thuế mà còn đến cả thị trường. Cứ hình dung thế này, thu nhập eo hẹp, người dân thắt chặt chi tiêu, hàng hóa không tiêu thụ được, tồn kho tăng cao, DN buộc phải thu hẹp sản xuất... Thị trường thế giới khó khăn vì lạm phát, không ít DN đang tính quay lại thị trường nội địa, nhưng với tình hình này rất khó.
Giãn, giảm các chính sách thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng như thế nào để hỗ trợ sức mua, hỗ trợ thị trường là vấn đề cần được tính toán và áp dụng nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Thực tế, nỗi lo hụt thu ngân sách khi điều chỉnh thuế TNCN của Bộ Tài chính đã không xảy ra. “Lịch sử” cho thấy, sau mỗi lần điều chỉnh, số thu vẫn tăng; trong một thập niên qua, tỷ lệ thuế TNCN trong cơ cấu nguồn thu ngân sách ngày càng lớn. Đặc biệt, số thu thuế TNCN 10 tháng năm 2022 cao nhất từ trước đến nay.
Ngưỡng thuế lạc hậu, đời sống người làm công ăn lương khó khăn, thị trường cần tăng sức cầu..., không thấy lý do gì để Bộ Tài chính tiếp tục chần chừ trả các ngưỡng thuế TNCN về đúng bản chất, thể hiện sự chia sẻ với người dân và cũng là tạo động lực cho hệ thống sản xuất trong thời gian tới.
Theo Nguyên Khanh (TNO)