Thức đêm để... kiếm tiền!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có lẽ chưa bao giờ kinh tế đêm lại thôi thúc nhiều địa phương của nước ta như hiện nay. Nó đã phá vỡ quan niệm nghỉ ngơi ban đêm bởi sự cuốn hút của nền kinh tế tiêu dùng 24/24 giờ.

Chúng ta nhận thức về kinh tế đêm có vẻ muộn, khi đến năm 2020 mới đặt ra vấn đề này ở cấp trung ương. Trong thời gian này, Thái Lan đã kiếm được tiền từ kinh tế đêm đến hơn 5 tỉ USD/năm, Singapore hàng tỉ USD và các quốc gia khác như Trung Quốc, Malaysia… đã khởi động kinh tế đêm gắn liền với phát triển du lịch đã nhiều năm. Còn ở các quốc gia châu Âu như Ý, Pháp, Đức… họ không đặt ra khái niệm kinh tế đêm, bởi nền kinh tế của họ vốn vận hành 24/24 giờ từ vài thập kỷ trước, và với du khách thì phục vụ bất cứ khi nào họ cần. "Thành phố không ngủ" đã trở thành danh từ chung của các thành phố lớn sôi động về du lịch.

Chúng ta cũng đã làm kinh tế đêm từ những năm trước tại nhiều thành phố lớn, trong đó có TP HCM. Phố Tây Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành, dịch vụ đêm tại các khu khách sạn lớn… được tổ chức khá thành công và là điểm thu hút du khách, nhất là khách ngoại khi đến thành phố này.

Nhưng như thế là quá lẻ loi trong một bức tranh muốn phát triển toàn diện về du lịch. Du khách không thể đến Việt Nam để rồi vui chơi ban đêm chỉ mỗi ở TP HCM, còn ở các địa phương khác thì… ngủ. Mà ngủ thì không tiêu xài, không mua sắm, không tạo được kích thích để phát triển các ngành kinh tế dịch vụ. Điều này cũng đồng nghĩa chẳng thu được đồng nào và khó tạo thêm được việc làm từ phần đêm của du lịch.

Lãnh đạo nhiều địa phương hay cổ vũ nhau, làm kinh tế đêm để phát triển du lịch nhưng thực tế thì ngược lại. Nhu cầu của du khách buộc phải tổ chức kinh tế đêm nếu không muốn họ một đi không trở lại. Làm kinh tế đêm không chỉ là mở vài dịch vụ ăn uống, ca hát ban đêm mà thành. Cách làm này đã thất bại ở nhiều địa phương rồi và có vẻ cũng chưa rút được kinh nghiệm. Tổ chức kinh tế đêm phải có nền tảng để nó phát triển: Hệ thống lưu trú hoàn hảo, thú vị để giữ chân du khách qua đêm. Liên kết các địa phương thành cụm du lịch để tận dụng tối đa thời gian du khách vui chơi, giải trí. Ví dụ: Du khách nhẩn nha ở Cần Thơ ban ngày, chiều họ nghỉ ngơi và tối có thể lên xe để đến TP HCM vui chơi ban đêm. Ngày hôm sau họ có thể có mặt tắm biển ở Vũng Tàu để rồi ăn đêm ở Phan Thiết cách đó chưa đến 2 giờ đi ô tô…

Trong đề án vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành, có 12 địa phương phải phát triển ít nhất 1 mô hình kinh tế đêm đến năm 2025, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian cũng khá thong thả nhưng quan trọng là đặc sản mô hình kinh tế đêm ở các địa phương này là gì? Có đủ để giữ chân du khách và hấp dẫn họ chi tiền hay không? Cách hay nhất vẫn là… hỏi ý kiến của người xài tiền (du khách). Điều này không khó nếu tổ chức lấy ý kiến du khách bài bản. Họ đã muốn chi tiền thì ban ngành, địa phương chịu khó thức đêm để… kiếm tiền vậy.

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.