Thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng (ảnh minh họa) |
Kinh tế nước ta vẫn đối mặt những khó khăn, thách thức không hề nhỏ của một nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm. Điều đó đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế.
Đến nay, vấn đề thể chế, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng giao thông là bài toán nan giải đối với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu lao động có kỹ năng. Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024, chỉ khoảng 27% DN kỳ vọng mở rộng sản xuất - kinh doanh, thấp hơn 5 điểm phần trăm so với năm 2022. Bên cạnh đó, DN phải đối mặt nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách.
Khó khăn của DN thể hiện qua số đơn vị rời bỏ thị trường rất cao, có thời điểm nhiều hơn cả số gia nhập. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 119.612 DN gia nhập trong khi 110.316 DN rút khỏi thị trường. Tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, DN khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này. Đối với nền kinh tế, số DN gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất - kinh doanh đã suy giảm.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng qua, nhiều hộ gia đình cũng gặp khó khăn khi việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng do sự phục hồi còn chậm và yếu của nền kinh tế. Tỉ lệ hộ dân gặp khó khăn về tài chính còn cao, phải thắt chặt chi tiêu…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức như trên, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng sự năng động vượt khó của cộng đồng DN và các hộ kinh doanh là những yếu tố cơ bản dẫn tới kinh tế 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Nền kinh tế nước ta đang phục hồi và phát triển ổn định, khả năng kiểm soát được lạm phát dưới mức mục tiêu 4%-4,5% mà Quốc hội đã thông qua; tổng sản phẩm trong nước 6 tháng qua tăng 6,42%.
Gia Lai: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,71% trong 5 tháng đầu năm
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7%
Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng
Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6%-6,5%, đòi hỏi GDP 2 quý còn lại phải đạt trên 6,5%. Đây là mức tăng có thể đạt được nhưng không dễ. Thiết nghĩ, cùng với việc thực hiện đầy đủ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong Nghị quyết 93/NQ-CP, Chính phủ cần tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu...
Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo cơ sở tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội. Theo đó, cần giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng với thời hạn dài hơn, tỉ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…