Thú vị quá 'xứ đồ chay'!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vườn trái cây và món chay, đơn giản vậy thôi mà Tây Ninh cũng để lại ấn tượng, thú vị cho những khách từ xa đến cảm nhận đời sống và văn hóa "xứ đồ chay"

Đã từ lâu nghe đến núi Bà Đen, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát, bánh tráng phơi sương, muối tôm là nghĩ ngay đến Tây Ninh. Vài năm gần đây, đi chơi vườn trái cây và thưởng thức các món chay đang hút rất nhiều khách đến Tây Ninh.

Bán không thêm, nằm đêm không ngủ

Trước đây, vào mùa hè, nhất là dịp Tết Đoan ngọ, nói đến đi chơi vườn trái cây, người miền Nam chúng tôi thường nghĩ về các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay đi Lái Thiêu (Bình Dương), Long Khánh, Xuân Lộc (Đồng Nai). Năm nay, chúng tôi đổi hướng đi Tây Ninh, khi được biết có rất nhiều vườn trái cây rộng lớn ở nơi đây.

Khách vào vườn hái chôm chôm

Khách vào vườn hái chôm chôm

Bà con địa phương nói từ tháng 5, những vườn chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dâu da… ở các huyện Gò Dầu, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, TP Tây Ninh, trái đầy cây, trĩu cành, khách du lịch đi ngang đều phải dừng chân. Nhà vườn vừa thu hoạch bán cho thương lái, vừa mở cửa vườn đón khách du lịch như một cách quảng bá và kiếm thêm thu nhập. Đối với khách du lịch, 30.000 - 40.000 đồng/người cho vé vào vườn chôm chôm, vườn dâu khá rẻ vì vừa được tha hồ ăn no trái cây, vừa có cảnh tự nhiên chụp ảnh sống ảo thật đẹp.

Chủ vườn chôm chôm Chín Lành (đường Huỳnh Tấn Phát, TP Tây Ninh) đon đả đón khách. Vé vào cổng không chỉ bao khách ăn chôm chôm, mà còn có thêm một chai nước mát lạnh. Vườn Chín Lành cũng như các vườn chôm chôm khác đều có hai loại chôm chôm tróc thường và chôm chôm giống Thái, khách thích ăn loại nào cứ hái. Biết ý khách thích chụp ảnh với những cây có nhiều cành thấp đang trĩu quả, nên chủ vườn chỉ cho người thu hoạch ở những cành trên.

Đi vườn thích nhất là tự tay hái trái cây

Đi vườn thích nhất là tự tay hái trái cây

Cũng như chúng tôi, bạn Lê Thị Hà cùng nhóm bạn từ TP HCM đến Tây Ninh. Ban đầu, họ dự định đi núi Bà Đen và suối Trúc, nhưng tình cờ thấy vườn trái cây nên vào. Hà nói: "Em không ngờ Tây Ninh lại có nhiều vườn trái cây đến thế. Trời nóng, vào vườn mát rượi, thích lắm. Chủ vườn tử tế cho mỗi nhóm khách một tấm bạt trải ngồi chơi trong vườn". Trong vườn chôm chôm Chín Lành còn có những lều dài cho khách thích ở chơi lâu. Những khách có kinh nghiệm đi vườn ở đây đã mang theo thức ăn, đồ uống như đi cắm trại.

Khách thích mua chôm chôm tại vườn, có thể tự hái hoặc cân ngay trái được hái sẵn, giá tại vườn chỉ bằng một nửa giá mua ở chợ. "Bán không thêm, nằm đêm không ngủ" - chủ vườn Chín Lành vừa luôn miệng nói, vừa bỏ thêm chôm chôm vào túi cho khách. Cân 6 kg mà tính tiền có 5 kg, bảo khách sao không vui được.

Với vườn măng cụt thì khác, khách tha hồ chụp ảnh, nhưng khó hái vì không biết đâu là trái chín hái được, ăn được. Khách muốn mua măng cụt tại vườn, chủ vườn sẽ hái, chọn trái ngon cho khách. Măng cụt là trái khó bảo đảm 10 trái ngon hết 10, nên chủ vườn cứ cân dư chút để trừ hao có trái bị sượng thì khách không thiệt.

Khách lớn tuổi cũng thích trải nghiệm ở vườn

Khách lớn tuổi cũng thích trải nghiệm ở vườn

Các chủ vườn sầu riêng không thu phí tham quan, chụp ảnh vì biết chắc có cho hái thì khách cũng không thể. Chủ vườn sầu riêng Út Lệ (huyện Gò Dầu) cho biết mấy năm qua các nhà vườn đều cố gắng canh cho măng cụt, chôm chôm, sầu riêng rộ đúng Tết Đoan Ngọ vừa bán được giá, vừa thu hút đông khách du lịch. Sau đó, các vườn tiếp tục đón khách đến cả tháng nữa mới đóng cửa, chăm sóc cây, dọn cho vườn sạch đẹp, khang trang hơn chờ đón khách mùa sau.

Người dân Tây Ninh cũng muốn địa phương mình có đông khách du lịch đến. Mấy chị tiểu thương trong chợ Long Hoa nói với chúng tôi, từ tháng 7 đến tháng 9, Tây Ninh tiếp đến mùa mãng cầu, sắp xếp được thì đến. Mãng cầu núi Bà Đen có thương hiệu từ lâu, mua tại vườn thì khỏi bàn cãi, mua ở các chợ tại Tây Ninh cũng chắc chắn không lầm đặc sản này.

Đa dạng món chay

Không chỉ vào những vườn cây ăn trái, chúng tôi cũng đi khám phá các món chay để xem nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh thế nào mà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tỉnh này được mệnh danh là "xứ đồ chay".

Đến địa phương nào, chúng tôi cũng thích đi chợ, bởi những gì được bán trong chợ phản ánh phần lớn đời sống người dân, văn hóa địa phương. Thật, chưa thấy chợ ở đâu có một khu lớn bán nhiều món chay được chế biến sẵn và nguyên liệu làm món chay hấp dẫn như chợ Long Hoa (thị xã Hòa Thành).

Nguyên liệu làm món chay được bán trong chợ Long Hoa

Nguyên liệu làm món chay được bán trong chợ Long Hoa

Hỏi chuyện các cô bác ở Tòa thánh Cao Đài, chúng tôi biết chợ Long Hoa được lập từ năm 1952, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của các tín đồ đạo Cao Đài, nên chợ bán nhiều món ăn chay từ đó đến giờ. Mỗi ngày chợ đều có bán món chay, nhưng vào những ngày chay, chợ sẽ bán nhiều hơn.

Tôn giáo, tín ngưỡng của người dân đã hình thành văn hóa ẩm thực chay ở Tây Ninh. Tín đồ Cao Đài trong tỉnh hơn 500.000 người, mỗi tháng có 10 ngày ăn chay vào các ngày âm lịch: mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (nếu tháng thiếu, ăn chay thêm ngày 27).

Tây Ninh còn có khoảng 200.000 tín đồ Phật giáo, thường ăn chay vào 4 ngày: 30, mùng 1, 14, 15 âm lịch mỗi tháng. Với số lượng người dân tại địa phương ăn chay đông như vậy, nhiều ngày như vậy thì nhu cầu món chay, nguyên liệu làm món chay rất lớn. Chưa kể mỗi năm ở Tây Ninh có khá nhiều ngày lễ của đạo Cao Đài và Phật giáo thu hút khách hành hương đông vô kể. Ngoài ra, khách du lịch đến Tây Ninh có nhu cầu dùng món chay cũng nhiều. Tất cả làm cho sức tiêu thụ món chay ở tỉnh này nhiều là phải.

Thế nhưng, để thật sự chinh phục thực khách và làm nên thương hiệu "xứ đồ chay", còn phải nói đến sự đa dạng các món chay, nghệ thuật chế biến hợp khẩu vị nhiều người. Các món chay như: bánh canh, chả giò, gỏi cuốn, bún xào, hủ tiếu, chạo tôm chay, nem chay, bún bì, bì cuốn, bò bía chay…; món ăn với cơm như sườn chay, thịt nướng chay, mắm thái, phá lấu…, dù bán trong chợ Long Hoa cũng được người bán hàng chăm chút chế biến. Khoảng 15.000 - 25.000 đồng là có thể được món ngon, nên nhiều khách du lịch tiện vào chợ cũng mua vài món chay.

Buffet chay ở nhà hàng Phước Lạc Duyên

Buffet chay ở nhà hàng Phước Lạc Duyên

Các nhà hàng, quán ăn chay có khá nhiều ở Tây Ninh. Chúng tôi không khó tìm được nơi khang trang, thưởng thức nghệ thuật chế biến món chay. Hơi tần ngần một chút trước cổng bề thế, khuôn viên đẹp như khu du lịch sinh thái của nhà hàng chay Phước Lạc Duyên, chúng tôi mới bước vào. Việc đầu tiên là xem thực đơn thế nào, giá cả ra sao, chúng tôi mới dám kéo ghế ngồi.

Thực đơn có đến cả trăm món, từ món ăn đơn giản đến món cầu kỳ, giá mỗi đĩa cho mỗi món hầu hết chỉ 30.000 - 50.000 đồng, chỉ vài món có giá 60.000 - 80.000 đồng. Bữa ăn thịnh soạn cho 12 người với 8 món thật vừa miệng, trình bày đẹp mắt, ăn no, chúng tôi trả chưa đến 800.000 đồng. Các món gỏi bầu, bánh hỏi bách hoa, cơm cháy kho quẹt, mắm thái, mít non kho tộ thật lạ miệng, ai cũng thích.

Vườn trái cây và món chay, đơn giản vậy thôi mà Tây Ninh cũng để lại ấn tượng, thú vị cho những vị khách phương xa đến cảm nhận đời sống và văn hóa "xứ đồ chay".

Tổ chức phiên chợ chay

Kể chuyện đi khám phá món chay ở Tây Ninh, chị Phạm Thị Hồng (quận Bình Thạnh, TP HCM) nói chị đến Tây Ninh đúng vào ngày mùng 1 tháng 5 âm lịch, được giới thiệu vào quán Tojy - vương quốc đậu nành dùng buffet chay.

Quán này cứ vào ngày đầu tháng âm lịch phục vụ kiểu buffet chay, chỉ 99.000 đồng/người. Nhà hàng Phước Lạc Duyên ngoài phục vụ khách ăn gọi món, cũng nhận làm tiệc buffet chay cho đoàn đông khách có nhu cầu. Với khuôn viên rộng rãi, vào chiều 19 dương lịch hằng tháng, Phước Lạc Duyên còn tổ chức phiên chợ chay, bán các món ăn chay tại chỗ và nhiều món chay dạng thực phẩm chế biến sẵn để khách có thể mua về.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.