Ăn chay là chế độ ăn uống kiêng các loại thịt như thịt đỏ, hải sản, gia cầm và thay thế bằng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau, củ, quả, trái cây, ngũ cốc… Tùy vào nhu cầu mà ăn chay sẽ có nhiều hình thức khác nhau. Tựu trung lại, có 2 kiểu ăn chay phổ biến hiện nay, gồm: ăn chay thường (Vegetarian): không ăn thịt động vật nhưng có ăn trứng và các loại chế phẩm khác từ động vật như bơ, sữa, mật ong; ăn thuần chay (Vegan): không ăn thịt động vật, trứng, bơ, sữa, mật ong… và bất cứ sản phẩm nào có chứa những thành phần trên.
Món ăn chay cũng khá đa dạng, phong phú. Ảnh: P.V |
Ngày nay, việc ăn chay không còn ràng buộc theo quan điểm của tôn giáo, tín ngưỡng mà dần trở nên phổ biến và được coi như một lối sống của những người duy trì thói quen ăn xanh, sống sạch. Khác với suy nghĩ đồ ăn chay khá đơn điệu, nhiều bạn trẻ đã sáng tạo những phương pháp chế biến, cách ăn mới, luân phiên thay đổi khẩu phần ăn nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn và đảm bảo dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.
Anh Nguyễn Văn Hậu (thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) cho hay: Xuất phát từ lòng yêu động vật nên anh lựa chọn ăn chay trường đã được một năm nay. Khẩu phần ăn của anh tập trung vào các loại rau, củ, quả. Anh thường ăn salad theo mùa, sinh tố rau củ, đậu phụ sốt cà chua, canh bí đỏ, nước hầm rau củ, mít kho, nấm xào xả ớt…
“Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, trong mỗi bữa ăn, tôi nấu đủ các món canh, xào, mặn. Bên cạnh đó, tôi chế biến món ăn có nhiều màu từ nhiều nguyên liệu khác nhau như ngũ cốc, các loại đậu, hạt”-anh Hậu chia sẻ. Từ ngày chuyển sang ăn chay trường, anh Hậu nhận thấy sức khỏe được cải thiện theo hướng tích cực. Tinh thần của anh cũng thoải mái, vui tươi hơn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hương San (thôn 1, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) chọn kết hợp ăn chay và ăn mặn để đảm bảo cũng cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Cô gái trẻ yêu thích các món ăn đặc trưng được làm từ rau, nấm và các loại hạt. Cô cũng thường xuyên nấu các món chay tại nhà để thưởng thức cùng gia đình. Sau thời gian ăn chay, Hương trở nên khỏe khoắn, ít bị bệnh vặt hơn. Đồng thời, cô luôn tràn đầy năng lượng.
Ảnh: P.V |
Chia sẻ quan điểm về ăn chay giả mặn, Hương cho rằng việc này khá thú vị. “Ăn chay giả mặn tạo cho tôi một cảm giác mới và giúp tôi không quá chán khi thưởng thức những món ăn. Việc ăn chay đa dạng món, cách chế biến cũng sẽ giúp cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng”-Hương nói.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Sơn-Chủ quán chay Vân Sơn (đường Phan Đình Giót, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết : “Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, người dưới 30 tuổi đến dùng bữa tại quán của tôi”. Trung bình một ngày có từ 30-40 bạn trẻ ghé quán của anh Sơn để thưởng thức đồ chay. Vào những ngày rằm, lượng khách trẻ là hơn 100 người, gấp 2 đến 3 lần ngày thường.
Để đáp ứng xu hướng ăn chay của những người trẻ, quán ăn cũng chủ động bổ sung các món chay độc đáo, đẹp mắt vào thực đơn như: Salad Nhật sốt dầu mè, chè thảo mộc, nem vỏ bưởi, bún chả Hà Nội chay… Các món ăn đều phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí “sạch-xanh-đầy đủ chất dinh dưỡng” cho khách hàng. Qua đó, thu hút và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị.
Ngoài đem lại những lợi ích cho sức khỏe cá nhân, ăn chay cũng là một trong những giải pháp dễ dàng nhất để giúp bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đối với môi trường sống. Tuy nhiên, để phát huy những hiệu quả tốt nhất của việc ăn chay, mỗi người cần chọn cho mình phương pháp ăn chay đúng cách, khoa học để đảm bảo sức khỏe chứ không đơn thuần là “chạy theo trends”.
Một số món ăn chay hấp dẫn. Thực hiện: Nhóm P.V |
Xu hướng ăn chay đang ngày càng phát triển tại Gia Lai, đặc biệt trong giới trẻ. Không chỉ vì lợi ích sức khỏe, mà còn vì những giá trị nhân văn và môi trường. Các quán chay tại TP. Pleiku đang không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu và sở thích của giới trẻ, góp phần ươm mầm đam mê ăn chay trong cộng đồng.