Hẹn nhau đi Côn Đảo năm lần bảy lượt chúng tôi mới lên đường ngay những tuần đầu nơi đây mở cửa đón khách du lịch trở lại - những ngày tháng 5 rực rỡ và đẹp nhất trong năm của hòn đảo nhiều di tích này.
Côn Đảo những ngày hè là cả một màu xanh trong của trời và biển |
Côn Đảo là quần đảo gồm khoảng 16 đảo lớn nhỏ, là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mang tiếng là huyện nhưng Côn Đảo chẳng hề có xã phường gì, chỉ là những con đường và những di tích mang nhiều câu chuyện.
Phượng nở rực rỡ phủ đỏ trong nghĩa trang Hàng Dương |
Cô chủ khách sạn nơi chúng tôi chọn trú bảo "giá máy bay khứ hồi từ Hà Nội vào thẳng Côn Đảo giờ còn chưa tới 2 triệu, khách nhờ cô đặt quá chừng". Ngoài ra còn có tàu cao tốc khởi hành từ Vũng Tàu, tàu Superdong từ bến Trần Đề (Sóc Trăng) khai thác từ lâu.
Khung cảnh đẹp nao lòng khi đứng ở sân Vạn Sơn Tự trên núi Một nhìn xuống biển |
Quang cảnh hùng vĩ ở bãi Chim Chim trên đường Cỏ Ống |
Chúng tôi thuê xe máy, chạy tà tà ở cung đường Tôn Đức Thắng cập sát biển xinh đẹp có bờ kè chắc chắn và tinh tươm, để rồi hào hứng như những đứa trẻ mới được mẹ cho quà vặt sau buổi tan chợ khi ào xuống biển bơi lội, ngụp lặn cùng những cơn sóng nhỏ.
Bãi biển nào ở Côn Đảo cũng sạch, cát vàng và nước xanh trong, chưa nhiều dịch vụ du lịch đi kèm nên còn rất hoang sơ.
Đường Cỏ Ống uốn lượn ôm núi, cung đường độc đạo dẫn ra bãi Đầm Trầu và sân bay Côn Đảo |
Côn Đảo không có quá nhiều lựa chọn ăn uống như Phú Quốc, nhưng chúng tôi cũng dễ dàng tìm thấy các quán ăn hay nhà hàng phục vụ hải sản, cơm, bún, đồ nướng, sinh tố, chè đủ các kiểu vào buổi tối. Buổi sáng và trưa thì ít hàng quán mở cửa hơn.
Để trải nghiệm được nhiều hải sản và tham quan được khu chợ của người dân Côn Đảo, chúng tôi làm một vòng quanh chợ. Các loại rau ở đây khá đắt vì phải chuyển từ đất liền ra, nhưng bù lại hải sản tươi và giá mềm.
Bãi Đầm Trầu một chiều tắt nắng. Đây cũng là bãi biển du khách có thể ngắm máy bay cất và hạ cánh rất gần |
Ghé mua ít đồ nướng để nhâm nhi buổi tối hóng gió biển, chúng tôi tới xe đồ nướng của cô Chín trên đường Võ Thị Sáu. Sau một hồi trò chuyện, cô vui vẻ nói: "Tao là người Bến Tre, ở Mỏ Cày á, mà đi ra đây lâu rồi cũng chả nhớ mình ở Mỏ Cày Nam hay Mỏ Cày Bắc (cười giòn tan)".
Vừa nướng mấy cặp chân gà và mấy miếng khô cho chúng tôi, cô Chín lại rôm rả: "Tụi bây ra lúc này là đẹp nhất ở Côn Đảo rồi đó, chứ Côn Đảo một năm chỉ có mấy tháng du lịch, còn lại thì sẽ mưa bão không à. Mấy tháng rồi dịch bệnh, có bóng khách du lịch nào đâu, cái đảo này vắng tanh buồn hiu hắt luôn đó".
Chúng tôi hỏi cô làm gì sinh nhai trong lúc dịch bệnh, cô Chín cười nhưng có vẻ buồn, bảo: "Đi bắt cá tôm chứ sao. Ở đây là dân biển, thành ra lại mê cá nước ngọt. Tao đi mấy con suối hay dòng chảy nhỏ, bắt mớ cá bống này kia, đi một vòng là dân đảo mua hết để nấu cơm, chứ hàng quán cũng nghỉ, ai bán buôn gì mà ăn".
Côn Đảo sau những bể dâu cũng đã là nhà của nhiều người yêu mến mảnh đất này. Với chúng tôi, đó là một nơi đáng để đến, để nhìn ngắm và thêm yêu quê hương mình.
Một số hình ảnh khác ở Côn Đảo:
Ở các cung đường Côn Đảo, hầu như nơi nào cũng thấy cây phượng. Mùa hè này phượng trở thành loài hoa chủ đạo của nơi đây |
Bạn nhỏ nô đùa trên bãi biển chiều với nụ cười hồn nhiên, trong trẻo |
Chùa Vân Sơn Tự trên núi Một yên bình |
Đến Côn Đảo những ngày này, bạn sẽ choáng ngợp trước màu xanh của biển trời |
Cây bàng trên đảo được trồng nhiều, hầu hết có tuổi đời hơn 50 năm. Chính vì thế, hạt bàng cũng trở thành đặc sản của Côn Đảo |
Những nhành phượng đỏ thắm khoe sắc nhìn từ di tích trại Phú Bình |
Theo Bài và ảnh: KHANH NGUYỄN (TTO)