(GLO)- Đủ màu đen, đỏ, trắng, vàng, bạc; nhiều kiểu dáng; các hãng xe ô tô nổi tiếng trên thế giới đều có mặt, và những bóng hồng đeo kính mát, đội nón kiểu cách ngồi sau vô lăng xuất hiện khá nhiều trên các trục đường Pleiku những năm gần đây mang lại cho thành phố cao nguyên một vóc dáng mới mẻ, trẻ trung. Phố núi không còn đi dăm phút đã về chốn cũ như xưa mà trở thành một đô thị năng động, hiện đại.
Trong một sa lông ô tô. |
Vậy là đến giờ nhiều ông bạn của tôi cũng đã nâng cấp được phương tiện đi lại của mình, từ hai bánh lên bốn bánh: Nguyễn Minh Vỹ và Trần Văn Phê cùng mua xe Civic, Thái Kim Nga xe Missubishi, Lê Văn Nhung xe Kia Caren, Trần Văn Nghĩa, Trần Đăng Lâm, Nguyễn Thịnh đều xe Hyundai 5 chỗ, 7 chỗ, Văn Công Hùng i30, trước đó Hà Ngọc Chính và Huỳnh Kiên đẳng cấp hơn chọn dòng xe CRV... Ấy là chưa kể nhiều đồng nghiệp trên Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai cũng thi nhau lên đời xe với hàng chục chiếc, đủ mặt các hãng xe nổi tiếng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ.
Hiện tượng nhiều người dân mua sắm xe ô tô trong thời gian gần đây chứng tỏ Việt Nam đang là nước phát triển, điều dễ nhận thấy chính là số lượng xe ô tô ngày càng nhiều, năm sau nhiều hơn năm trước. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố: 6 tháng đầu năm 2015 có hơn 100.000 xe ô tô bán ra thị trường cả nước, tháng 9-2015 bán 21.366 xe và tháng 10-2015 doanh số bán hàng toàn thị trường lên đến 22.368 xe, tăng 5% so tháng 9 và tăng đến 50% so cùng kỳ năm 2014. Năm 2012 doanh số chỉ 97.000 xe thì năm 2014 có 157.810 xe ô tô được bán ra và dự kiến trong năm nay lượng xe cung ứng ra thị trường sẽ vượt mốc 210.000 xe.
Trong xu thế ấy, Pleiku mấy năm gần đây cũng lên đời hẳn, ô tô tràn ngập Phố núi. Buổi sáng mời bạn dạo một vòng trên các con đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Học, Cù Chính Lan... bạn sẽ thấy ô tô đậu nối đuôi nhau trước các quán điểm tâm, quán cà phê, đặc biệt là sáng thứ bảy, chủ nhật, lề đường hầu như không còn chỗ trống đậu xe. Thành phố cao nguyên cách đây chừng 3 thập niên trở về trước vốn yên tĩnh trong lãng đãng sương mù len giữa thông xanh, thi thoảng mới nghe tiếng xe ô tô ào qua thì giờ đây không còn trầm mặc se lạnh như xưa mà cũng vội vã, ngày đêm xe cộ ầm ào. Có người mua xe ô tô là vì cần phục vụ cho nhu cầu đi lại nhưng cũng có không ít người mua xe ô tô chỉ để giải quyết...khâu oai, cho mọi người biết rằng ta cũng có ô tô nên hầu như họ chỉ lái xe đi ăn sáng, uống cà phê là chính. Có lẽ nhận biết được trào lưu phát triển chung của cuộc sống người dân Pleiku trong dòng chảy cơ chế thị trường nên chỉ trong thời gian ngắn, Pleiku đã mọc lên hàng chục đại lý, sa lon ô tô. Thôi thì đủ các thương hiệu nổi tiếng hiện nay như: Hyundai, Kia, Cheverolet, Misubishi, Toyota, Ford... thậm chí có cả đại diện của các dòng xe thuộc hàng đỉnh như Mercedes, Audi, BMW... giá vài ba tỷ đồng trở lên.
Người dân Phố núi mua xe ô tô tùy thuộc vào túi tiền, có người chơi hẳn loại xe vài ba tỷ đồng, hoặc hơn một tỷ đồng, nhưng phổ biến nhất là các loại xe có giá từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng và dung tích xy lanh dưới 2 lít cho đỡ tốn nhiên liệu. Năm 2014 hãng xe Hyundai bán ra thị trường Pleiku được 194 xe, năm nay trung bình mỗi tháng doanh nghiệp Ngọc Hoa bán ra 25-30 xe Mazda, 15-18 xe Kia, các đại lý khác như Cheverolet, Mitsubishi, Toyota cũng bán ra lượng xe không nhỏ. Người bán hàng ở đại lý xe Mazda trên đường Trường Chinh cho biết, có ngày bán đến 2-3 chiếc Mazda 3, Mazda 6 cho các “đại gia tiêu” ở huyện Chư Sê và Chư Pưh ra mua, thường họ trả bằng tiền mặt, đúng giá, không kèo nài gì cả. Hỏi thăm thì được biết các tỷ phú nông dân này cứ sau mỗi mùa tiêu thu vô cả tỷ đồng nên mua xe xịn là... chuyện nhỏ!
Xe ô tô nhiều, kéo theo các dịch vụ liên quan đến xe cũng phát triển nhanh chóng. Đó là hàng loạt ngân hàng cho vay để khách hàng mua ô tô với lãi suất ưu đãi, thậm chí cho vay đến 70% giá trị của chiếc xe. Đó là các trung tâm đào tạo lái xe ô tô liên tục mở các lớp lái xe hạng B1, B2, hạng C cùng các trung tâm sát hạch. Các hãng bảo hiểm cả truyền thống lẫn mới du nhập như Bảo Việt, PJICO, PTI, Bảo Minh, Liberty, BIC... bảo hiểm thân vỏ vật chất và bảo hiểm người trên ô tô... Rồi trên trục đường Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Phú xuất hiện khá nhiều điểm bán các phụ kiện thường được gọi là “đồ chơi” lắp trên xe ô tô như hệ thống loa ngoài, đĩa DVD, máy định vị GPS, gối massage... Nhiều người sau khi mua xe xong, lại sắm thêm đồ chơi cho chiếc xe cưng cũng mất vài ba chục triệu đồng nữa. Rồi dịch vụ rửa xe cũng mọc lên như nấm sau mưa. Cứ nhẩm tính, công rửa mỗi chiếc xe ô tô là 50.000 đồng, mỗi ngày các cơ sở rửa xe thu về không dưới vài ba triệu đồng, lời nhiều nên không ít nhà có điều kiện mặt bằng, mặt tiền, là đầu tư mua sắm máy móc, thuê thợ làm cơ sở rửa xe ngay.
Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tháng 12-2015 với cam kết giảm thuế nhập khẩu từ 75% xuống còn 50% tính từ khi chính thức gia nhập và từ 0 đến 5% vào năm 2018 sẽ khiến lượng ô tô từ các nước ASEAN đổ vào Việt Nam tăng nhanh. Đây là cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người dân Pleiku nói riêng mua sắm xe ô tô để sử dụng. Nhiều xe song hệ thống giao thông nội thành Phố núi mặc dù trong những năm gần đây đã được mở rộng, nâng cấp nhưng đã bắt đầu cho thấy khó có thể đáp ứng được lượng xe lưu thông, đậu đỗ hàng ngày. Theo con số thống kê đến ngày 15-11-2015, toàn tỉnh Gia Lai có 672.443 phương tiện lưu thông, trong đó xe ô tô là 35.679 xe, mô tô là 646.764 xe, đó là chưa kể đến số lượng xe từ nơi khác đến. Vấn đề đặt ra là vừa phải bảo đảm được lưu thông vừa bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường là yêu cầu cực kỳ quan trọng và cấp thiết khi ngày càng có nhiều xe ô tô tham gia giao thông như hiện nay.
Thanh Phong